kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Xử lý kịp thời sự cố đê điều trong mùa mưa bão

Xử lý kịp thời sự cố đê điều trong mùa mưa bão

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn nửa đầu tháng 8, lũ trên sông Đáy lên trên báo động 2 đã làm sạt trượt mái thượng lưu của 2 đoạn đê tả Đáy tại K89+020 – K89+050 thuộc xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) và K104+800 - K104+813, xã Kim Bình (TP Phủ Lý). Trận lũ vừa qua trên sông Đáy mới là lần đầu tiên trong mùa mưa, bão, lũ năm nay. Theo dự báo, tình hình mưa, bão, lũ sẽ có những diễn biến phức tạp.

Tìm hiểu về sự cố tại K89+020 – K89+050 thuộc xã Tượng Lĩnh thấy rõ mức độ nguy hiểm khi tuyến đê này kết hợp đường giao thông (quốc lộ 21B), có mật độ lưu thông khá cao. Điểm xảy ra sự cố bên dưới là vực chùa Ông. Cung sạt thẳng đứng, dài 30m, độ sâu 0,8 – 1,5m, mép cung sạt sát mặt đê, cách mặt bê tông nhựa asphalt 0,2- 0,3 m, bề rộng vết nứt 5 – 10 cm. Trên mái đê trong phạm vi cung sạt có xuất hiện vết nứt dọc theo cung sạt bề rộng 1 – 5 cm. Thực tế, sau hơn 15 ngày xảy ra sự cố, tại điểm sạt trượt nhìn vào nền đất trong thân đê vẫn còn khá ướt. 

Được biết, ngày 12/8 khi xảy ra sự cố, UBND xã Tượng Lĩnh đã báo cáo kịp thời với các cấp, ngành có thẩm quyền. Xã tổ chức ngay việc giăng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại điểm sạt trượt. Đồng thời, cử lực lượng canh gác 24/24 giờ để nhắc nhở các phương tiện lưu thông, theo dõi sớm phát hiện báo cáo diễn biến sự cố nếu tiếp tục xảy ra. Về phía Sở Giao thông vận tải, tổ chức phân luồng hạn chế xe cơ giới lưu thông qua đoạn đê gặp sự cố… 

Xử lý kịp thời sự cố đê điều trong mùa mưa bão
Điểm sạt trượt trên đê tả Đáy thuộc địa bàn xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng).

Theo ông Vũ Mạnh Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), đây là sự cố nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của đê và các phương tiện lưu thông trên tuyến đê này. Chi cục đã tham mưu với Sở NN & PTNT, UBND tỉnh triển khai xử lý khẩn cấp sự cố ngay trong mùa mưa, bão, lũ năm nay để bảo đảm an toàn cho tuyến đê.

Thực tế, trong các mùa mưa, bão, lũ những năm trước, trên tuyến đê tả Đáy đã từng xảy ra các điểm sạt, trượt mái đê. Có một điểm chung, phần lớn các sự cố sạt trượt đều nằm tại vị trí chân đê có vực sâu, ao, hồ, đầm. Ngay 2 điểm sự cố vừa xảy ra trên đê tả Đáy cũng đều ở đoạn đê dưới chân là đầm, vực. Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, tại những điểm này, mái đê thường có độ dốc lớn. Khi gặp mưa, lũ nền đất yếu, ngấm nước nhiều dẫn đến nặng, giảm đáng kể độ kết dính dẫn đến xảy ra tình trạng sạt, trượt. 

Đánh giá của cơ quan chức năng về hiện trạng các tuyến đê trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cao năng lực phòng chống mưa, bão, lũ. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm xung yếu và những điểm chưa bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai. Tuyến đê sông Hồng vẫn còn có đoạn chưa có cơ đê, nhiều nơi nền, thân đê yếu… Đê tả Đáy có chiều dài hơn 49,5 km, chỉ tính riêng đầm, ao, hồ ven chân đê chưa được lấp còn khá nhiều, có nguy cơ sạt trượt, như: K89+300 – K89+250, K103+727 – K103+987, K117+700 – K117+970, K130+071 – K130 +320… Tại tuyến đê tả Đáy nhiều đoạn mặt đê nhỏ hẹp, xuống cấp, một số đoạn đê sát sông, chưa có cơ đê… Đặc biệt, trên sông Đáy vào mùa mưa, bão, lũ thường xảy ra các đợt lũ lên cao, có năm vượt cao trình thiết kế gây ảnh hưởng đến an toàn đê. Điển hình, năm 2017, lũ lịch sử trên sông Đáy tại TP Phủ Lý lên đến 4,95m, vượt báo động III hơn 60 cm. Cùng với đê sông lớn (sông Hồng, sông Đáy), các tuyến đê sông con, đê bối trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão, lũ…

Từ các sự cố sạt trượt trên tuyến đê tả Đáy vừa qua đặt ra nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống đê điều. Theo đó, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, sớm phát hiện các sự cố trên các tuyến đê, nhất là các điểm xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Chính quyền các địa phương bảo đảm thật tốt công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai, bão, lũ theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Quan trọng nhất là huy động đầy đủ lượng vật tư, nhân lực, phương tiện xử lý giờ đầu. Minh chứng, sự cố sạt trượt mái đê tả Đáy tại xã Tượng Lĩnh vừa qua nếu không được phát hiện, có biện pháp bảo vệ kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện xe cơ giới lưu thông trên tuyến này… 

Đợt lũ trên sông Đáy vừa qua xảy ra 2 sự cố sạt trượt mái thượng lưu mới là báo hiệu bước vào giai đoạn cao điểm mưa bão được đánh giá từ tháng 8 đến tháng 10. Do vậy, triển khai tốt các biện pháp, nhất là chủ động trong công tác phòng, chống góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy