“Mưa lũ trong những ngày qua đã làm cho nước sông Đáy, sông Châu lên nhanh. Trên sông Đáy, tại thành phố Phủ Lý lúc 16 giờ ngày 23/7, nước lũ đạt mức 4,38m, trên báo động 3 (0,28m). Nước sông Đáy, sông Châu dâng cao, gây ra sự cố vỡ, tràn, sạt đê bối ở một số xã trong tỉnh”...
Theo ghi nhận tại bối Đinh Xá (TP. Phủ Lý), trong sáng 23/7, lực lượng dân quân và người dân vẫn đang tiếp tục gia cố những điểm bị tràn, sạt lở trên bối. Ông Trần Văn Chung, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Đinh Xá cho biết: Ngay khi nước lũ lên cao, sự cố xảy ra trên tuyến bối, xã Đinh Xá đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân và người dân tập trung khắc phục. Hiện nay, việc gia cố thêm tại các điểm xung yếu vẫn đang được thực hiện khẩn trương.
Điểm sạt lở tại bối Đinh Xá được phủ bạt chống thấm và giữ nguyên hiện trạng chờ lũ rút để xử lý.
Đến thời điểm này, các sự cố trên tuyến bối tại xã Đinh Xá cơ bản được xử lý ổn định. Trước đó, trong ngày 22/7, thành phố Phủ Lý đã cử lực lượng công an, quân sự của thành phố và lực lượng dân quân cơ động của xã Liêm Tiết (TP. Phủ Lý) hỗ trợ xã Đinh Xá khắc phục sự cố. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cấp phát 5.000 bao tải cho xã Đinh Xá. Xã đã huy động thêm 5.000 bao tải, hơn 100 m3 cát, trên 500 m2 bạt, cọc tre để gia cố, xử lý sự cố trên bối.
Ngoài sự cố trên tuyến bối, tính đến ngày 23/7, xã Đinh Xá có hơn 100 nhà bị ngập, trong đó, nhiều nhà bị ngập sâu. Do chủ động trong công tác phòng chống lũ, nhiều hộ đã di dời tài sản trước khi nước dâng cao. Phương án di dân cũng được chính quyền xã tính đến nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Khu vực nuôi cá nhà ông Hoàng Văn Thuấn, thôn Đồng Sơn, xã Liên Sơn (Kim Bảng) được chắn lưới bảo vệ. Ảnh: Mạnh Hùng
Mưa lớn cũng làm tràn hơn 300 m trên tuyến đê bối chắn nước núi Đồng Sơn, xã Liên Sơn (Kim Bảng) trong ngày 22/7. Ngay sau đó, sự cố đã được xử lý kịp thời. Những hộ chăn nuôi thủy sản trong vùng có giải pháp bảo vệ tài sản.
Ông Hoàng Văn Thuấn, một trong những hộ dân nuôi trồng thủy sản tại khu vực Đồng Sơn cho biết: Rút kinh nghiệm từ trận mưa lũ lịch sử tháng 10/2017, gia đình chủ động đầu tư hơn 70 triệu đồng dựng lưới quanh bờ chắn cá khi ao bị ngập. Đến thời điểm này chưa có thiệt hại về kinh tế, tuy nhiên, nếu nước núi tiếp tục tràn xuống, vùng thủy sản Đồng Sơn khó giữ an toàn.
Ghi nhận tại xã Thanh Tân (Thanh Liêm), mưa lũ trong những ngày qua cũng làm 1,5ha lúa mùa, 2,5 ha cây màu, 23 ha nuôi trồng thủy sản bên tây Đáy mất trắng. Phía đông sông Đáy cũng có khoảng 20 ha lúa mùa, 5,5 ha cây màu bị ngập. Đến nay, nước trong khu vực nội đồng đã rút, nhưng vẫn ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất cây trồng.
Xã Thanh Tân có 14 km đê sông Đáy chạy qua. Ngay từ khi mực nước sông Đáy lên mức trên báo động 3, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Thanh Tân đã chỉ đạo lực lượng thường trực tuần tra, kiểm tra đê. Để bảo đảm an toàn về người và tài sản, chính quyền xã đã thông báo tới các thôn chủ động phương án di chuyển người, tài sản, vật nuôi... tới nơi an toàn nếu nước tiếp tục dâng cao.
Đóng cọc tre xử lý thẩm lận tại bối Đinh Xá.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa, lũ, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tích cực triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ trên các sông. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục sự cố. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường lực lượng hỗ trợ các địa phương ứng phó kịp thời với sự cố ngay từ giờ đầu.
Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho thấy, tính đến 13 giờ ngày 23/7, trên địa bàn tỉnh ta có 154 ha lúa bị ngập, trong đó, 35 ha bị ngập trắng, 81 ha ngập phất phơ, 38 ha bị ngập 2/3 cây. Các công ty thủy nông trên địa bàn tỉnh đang vận hành 137 máy bơm tiêu úng.
Đóng bao tải cát xử lý sự cố thẩm lậu bối Đinh Xá (TP. Phủ Lý).
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, hiện nay, nước lũ trên sông Đáy đang rút chậm. 3 giờ sáng ngày 23/7, đo tại Phủ Lý trên sông Đáy, nước rút mỗi giờ 1 cm. Qua thực tế ứng phó các sự cố mưa lũ trong những ngày qua cho thấy, công tác chuẩn bị "4 tại chỗ" ở một số địa phương chưa thực sự tốt.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ, các địa phương cần chủ động các phương án ứng phó, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của tỉnh về công tác PCTT & TKCN. Đặc biệt là thực hiện tốt yêu cầu về bố trí lực lượng tuần tra, canh gác tại các điểm xung yếu và chuẩn bị tốt các phương tiện, vật tư để xử lý các sự cố.
P.Hiền - M.Hùng - B.Huệ (ảnh: Mạnh Hùng)
Phạm Hiền, Bích Huệ, Mạnh Hùng