Vào thời điểm này, lợi dụng việc nạo vét kênh mương nội đồng ở một số địa phương xuất hiện tình trạng người dân tự ý khai thác đất mặt ruộng để phục vụ công tác san lấp ao, vườn dẫn đến tình trạng phá vỡ mặt bằng, vi phạm quản lý đất đai trên địa bàn. Những hộ nằm giáp canh, giáp cư sử dụng phương tiện thô sơ; những hộ ở trong thôn, xóm thuê xe kéo, công nông vận chuyển. Thực tế, việc khai thác đất mặt ruộng không giấy phép để san lấp là vi phạm pháp luật và phải xử lý theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra ở một số nơi nhưng hiện không được ngăn chặn, xử lý kịp thời?
Qua tìm hiểu thực tế nhiều chủ hộ có đất nông nghiệp nhưng không canh tác mà cho thuê hoặc chuyển cho các hộ khác canh tác từ đó không quan tâm đến đồng ruộng của mình. Bên cạnh đó, ở một số nơi khi phát hiện người dân khai thác đất mặt ruộng nhưng chính quyền không ngăn chặn, xử lý do nể nang, ngại va chạm. Theo phản ánh của lãnh đạo UBND các xã, thời gian qua hầu hết cán bộ địa chính không phải là người địa phương, vì thế họ chỉ làm việc giờ hành chính và thực hiện lĩnh vực chuyên môn thuần túy. Còn về tham mưu trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai chưa thực sự hiệu quả, việc kiểm tra đồng ruộng không thường xuyên.
Thực tế, hiện nay trên các cánh đồng ở một số xã có trường hợp người dân đưa cả xe công nông xuống khu ruộng của gia đình lấy đất vận chuyển về nhà nhưng không bị ngăn chặn, xử lý. Một số hộ có xe công nông hợp đồng với các gia đình có nhu cầu san lấp để cung cấp đất. Tình trạng này đang diễn ra tại các xã: Bồ Đề, Đồn Xá, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục), Liêm Phong (Thanh Liêm)… Theo xe công nông chở đất từ quốc lộ 21 qua địa bàn xã Liêm Phong (Thanh Liêm), trò chuyện với chúng tôi anh Bùi Hữu T. chủ xe công nông cho biết: Mỗi ngày tôi vận chuyển từ 5 – 7 xe đất, tùy theo khoảng cách và loại đất, mỗi xe có giá từ 220 – 250 nghìn đồng, toàn bộ là đất mặt ruộng. Việc vận chuyển đất từ ruộng về nhà san lấp thời gian qua ở địa phương chưa có trường hợp nào bị ngăn cấm và xử lý nên việc khai thác đất mặt ruộng diễn ra bình thường.
Có thể nói, để ngăn chặn tình trạng phá vỡ mặt bằng lấy đất san lấp vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở là quan trọng, quyết định. Bởi thực tế, ở đâu cấp ủy, chính quyền sát sao và thực hiện đồng bộ các biện pháp thì ở đó không phát sinh những tồn tại vi phạm đất đai. Ông Trần Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã An Nội (Bình Lục) cho biết: Là địa bàn giáp ranh với huyện Mỹ Lộc (Nam Định) có bãi chứa đất phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, trước đây sau mỗi vụ thu hoạch, nhất là vụ mùa thì tình trạng khai thác đất trên các xứ đồng diễn ra khá phổ biến. Vài năm trở lại đây, xã yêu cầu cán bộ thôn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện báo cáo kịp thời về UBND xã để xử lý theo quy định. Trường hợp thôn nào buông lỏng quản lý khi bị phát hiện cán bộ cơ sở chịu trách nhiệm trước UBND xã. Bên cạnh đó, hằng ngày xã yêu cầu lực lượng công an xã thường xuyên tuần tra các tuyến đường, xứ đồng nếu phát hiện xe công nông chở đất sẽ ngăn chặn và báo cáo để xử lý. Những trường hợp vi phạm, UBND xã lập biên bản, ra quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, lớp đất mặt ruộng là một phần rất quan trọng, có độ phì nhiêu, giữ nước và chất dinh dưỡng cao giúp cho cây lúa phát triển tốt. Vì vậy, việc khai thác đất mặt ruộng không đúng quy định sẽ làm biến dạng địa hình, gây khó khăn cho điều tiết nước, làm suy giảm chất lượng đất, đất dễ bị nhiễm phèn, sâu bệnh, năng suất lúa giảm và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc khai thác lớp đất mặt ruộng trái phép không những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản. Chính vì thế, cần được các cấp, ngành tăng cường các biện pháp quản lý góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên địa bàn.
Phùng Thắng