kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Quan tâm xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại

Quan tâm xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại

Rác thải nguy hại phát sinh từ lĩnh vực trồng trọt chủ yếu là: chai lọ, vỏ túi bóng, vỏ nhựa, vỏ thủy tinh, hộp kim loại đựng hoá chất BVTV, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng. Trong chăn nuôi, chất thải nguy hại gồm vỏ chai, lọ đựng kháng sinh, các loại thuốc sau khi sử dụng hoặc hết hạn, bóng đèn huỳnh quang, nhớt thải và đặc biệt là xác gia súc, gia cầm bị bệnh…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh có trên 38.500 ha đất canh tác nông nghiệp. Bình quân mỗi năm, các địa phương trong tỉnh sử dụng trên 155 tấn thuốc hoá học phục vụ sản xuất. Trong số đó, lượng bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chiếm 5-10%. Tại nhiều xã, số lượng rác thải nguy hại này được xử lý chủ yếu là chôn lấp hoặc tập kết ra bãi trung chuyển rác thải tập trung, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Rác thải nguy hại phát sinh từ lĩnh vực trồng trọt chủ yếu là: chai lọ, vỏ túi bóng, vỏ nhựa, vỏ thủy tinh, hộp kim loại đựng hoá chất BVTV, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng. Trong chăn nuôi, chất thải nguy hại gồm vỏ chai, lọ đựng kháng sinh, các loại thuốc sau khi sử dụng hoặc hết hạn, bóng đèn huỳnh quang, nhớt thải và đặc biệt là xác gia súc, gia cầm bị bệnh… Do còn tồn dư hoá chất sau quá trình sử dụng thuốc nên khi thu gom, xử lý đối với bao, gói thuốc BVTV được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định, sau khi được thu gom về các bể chứa, lưu chứa không quá 12 tháng, chủ nguồn phát thải nguy hại phải ký hợp đồng với cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại để tiêu hủy.

Bộ TN&MT cũng quy định, bao, gói thuốc BVTV không được chôn lấp, đốt thủ công ngoài môi trường tự nhiên bởi những vỏ bao, gói bị đốt không đúng quy cách sẽ sinh ra chất dioxin, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, hệ miễn dịch của con người. 

Quan tâm xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại
Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường của Chi hội Cựu chiến binh thôn Nội Kiếu, xã Đức Lý (Lý Nhân) thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa đặt tại cánh đồng.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và kiểm lâm (Sở NN&PTNT) cho biết: Thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, những năm qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân; thành lập các tổ thu gom, vận chuyển vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên các cánh đồng về bể chứa; kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân lắp đặt pano, áp phích hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng, thu gom, xử lý hóa chất BVTV và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng… 

Lượng thuốc còn lại trong bao bì thuốc BVTV chiếm khoảng 3-5% tổng lượng thuốc. Do vậy, nếu xả thải bừa bãi ra môi trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước, sức khoẻ của người dân. Trong những năm gần đây, vấn đề này đã được cải thiện đáng kể. Hầu hết các địa phương đã lắp đặt hệ thống bể chứa vỏ bao thuốc BVTV tại các cánh đồng.

Phòng NN&PTNT huyện Bình Lục cho biết, đến nay, toàn huyện đã lắp đặt gần 1.000 bể chứa vỏ bao thuốc BVTV tại đồng ruộng. Nguồn kinh phí lắp đặt chủ yếu do các địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể, nòng cốt là hội nông dân huy động sự đóng góp trong nhân dân và vận động nguồn xã hội hoá để triển khai thực hiện. Thế nhưng, việc xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV chỉ là công đoạn đầu của việc xử lý chất thải nguy hại. Hầu hết các xã đều vận chuyển về bãi tập trung rác thải của xã chứ chưa ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng bốc xúc, vận chuyển, xử lý triệt để theo quy định. 

Còn tại huyện Lý Nhân - huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với lượng vỏ bao thuốc BVTV cao nhất tỉnh, từ năm 2021, UBND huyện đã ký hợp đồng với đơn vị chuyên xử lý rác thải nguy hại ở Nam Định thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp đi xử lý. Năm 2021, toàn huyện sử dụng gần 43 tấn thuốc BVTV, tương ứng lượng bao gói thuốc phát sinh khoảng 3-4 tấn. Đến nay, huyện đã lắp đặt được 975 bể thu gom bao, gói thuốc BVTV.

Để xử lý tốt lượng rác thải nguy hại này, UBND huyện đang xây dựng Đề án “Quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn huyện” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với việc thu gom, vận chuyển, tiêu hủy vỏ bao gói thuốc BVTV phát sinh trên địa bàn, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Ông Nguyễn Đức Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đức Lý, Lý Nhân cho biết: Khoảng 4-5 năm trở lại đây, xã Đức Lý đã thực hiện lắp đặt các bể chứa rác thải nông nghiệp nguy hại tại đầu các cánh đồng, bình quân mỗi thôn có từ 4-5 bể chứa. Sau khi các bể chứa đầy, tổ thu gom rác thải của các thôn thực hiện vận chuyển ra bể trung chuyển tập trung của xã. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, toàn bộ rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp đã được đơn vị vận chuyển đi định kỳ theo tháng, quý, tuỳ thuộc vào thời điểm mùa vụ. 

Đối với rác thải nguy hại phát sinh trong hoạt động chăn nuôi, đánh giá của Sở TN&MT cho thấy, các cơ sở chăn nuôi với quy mô vừa và lớn chưa tuân thủ đầy đủ công tác quản lý chất thải nguy hại theo cam kết trong các thủ tục môi trường đã được phê duyệt. Dù các cơ sở chăn nuôi đã thực hiện thu gom riêng chất thải nguy hại phát sinh, bố trí kho chứa chất thải nguy hại nhưng chưa triệt để. Việc thực hiện đăng ký chủ nguồn thải và ký hợp đồng với đơn vị có tư cách pháp nhân thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát sinh còn hạn chế.

Đối với một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chất thải nguy hại vẫn để lẫn lộn với các loại chất thải rắn thông thường. Khi động vật nuôi bị chết do dịch bệnh, chủ cơ sở chăn nuôi thường vứt xác xuống sông, kênh mương… Vấn đề trên gây khó khăn cho đơn vị quản lý trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và làm ô nhiễm môi trường.

Như vậy, vấn đề xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đây cũng là thách thức lớn với các xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí, tăng cường hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải là bao bì thuốc BVTV. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu các xã, phường, thị trấn chấm dứt ngay việc tự xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất nông nghiệp bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt không đúng quy định.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy