Ngày 11/11, UBND thành phố Phủ Lý tổ chức Hội thảo triển khai xây dựng thành phố Phủ Lý tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Tại hội thảo, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Phủ Lý và các đại biểu tham dự thể hiện rõ quyết tâm đến năm 2025 phấn đấu đưa thành phố Phủ Lý trở thành thành phố học tập toàn cầu.
Thành phố Phủ Lý là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hà Nam. Những năm qua, thành phố luôn chăm lo, đầu tư mạnh mẽ, toàn diện cho giáo dục, chất lượng giáo dục trên địa bàn không ngừng phát triển. Hệ thống trường lớp ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại; ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, học tập được đẩy mạnh. Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng được các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm, phát triển đi vào chiều sâu. Số lượng các gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” và khu dân cư đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” tăng đều qua mỗi năm.
Được tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu sẽ giúp cho người dân địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới. Đồng thời, được tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO cũng như có cơ hội cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO. Nhận thức rõ những lợi ích trên, thành phố Phủ Lý quyết tâm đến năm 2025 phấn đấu trở thành thành phố học tập toàn cầu.
Theo báo cáo kết quả khảo sát thực trạng các tiêu chí xây dựng thành phố Phủ Lý trở thành thành phố học tập, tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thành phố Phủ Lý tự đánh giá: có 42/47 chỉ số đạt và vượt so với yêu cầu (đạt tỷ lệ 89,4%); 5/47 chỉ số chưa đạt so với yêu cầu (chiếm tỷ lệ 10,6%) và 10/57 chỉ số chờ ý kiến đánh giá của chuyên gia (chiếm 17,5%).
Để xây dựng thành phố Phủ Lý tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thành phố Phủ Lý quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố học tập toàn cầu với mục tiêu phấn đấu năm 2023: 100% các chỉ tiêu xây dựng thành phố học tập đều đạt và vượt yêu cầu so với Bộ tiêu chí của Bộ GD&ĐT đề ra. Năm 2024: Hoàn thành Hồ sơ đăng ký tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. 100% xã, phường duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi. 100% trường học được trang bị máy tính có nối mạng internet. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn và sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở nhà trường và ở các địa điểm học tập cộng đồng...
Đồng thời tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức hiệu quả Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm; Biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập….
Tại hội thảo, đại diện các ban, ngành của thành phố và các đơn vị, địa phương đã thảo luận, đóng góp các ý kiến, giải pháp về những lợi ích khi tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; Giải pháp khuyến khích tạo điều kiện để xây dựng thành phố học tập; Giải pháp đẩy mạnh đổi mới trong giáo dục và học tập; Công tác lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình học tập; tích cực tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về học tập suốt đời; xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; tổ chức các phong trào các cuộc vận động thúc đẩy học tập; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Nguyễn Khánh