kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Ô nhiễm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp

Ô nhiễm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp

Nguồn nước tưới luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là hướng đến nền nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tại không ít thời điểm nguồn nước tưới cho cây trồng bị ô nhiễm. Đây là vấn đề cần được quan tâm xử lý giúp duy trì và bảo đảm chất lượng nước tưới phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Tìm hiểu tại huyện Kim Bảng, nơi có đến 70% diện tích đất sản xuất thuộc vùng tả Đáy có nguồn nước tưới được lấy từ sông Nhuệ qua trạm bơm chính Giáp Ba. Trong khi đó, nước trên sông Nhuệ luôn trong tình trạng thiếu và ô nhiễm, nhất là dịp lấy nước đổ ải làm đất vụ lúa xuân dẫn đến sản xuất của người dân luôn gặp khó. Theo ghi nhận thực tế, nhiều thời điểm nước sông Nhuệ có màu đen, bốc mùi khó chịu, ô nhiễm nặng, khi bơm lên kênh dẫn người dân không dám đưa ngay vào ruộng, phải chờ lắng một thời gian. Trong những lần tiếp xúc cử tri HĐND các cấp đều có những ý kiến, kiến nghị về tình trạng nguồn nước tưới lấy từ sông Nhuệ bị ô nhiễm.

Trước thực trạng trên, Xí nghiệp Thủy nông Kim Bảng đã phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp giúp hạn chế ô nhiễm nguồn nước tưới. Cụ thể, trong vụ xuân, để có nguồn nước tưới bảo đảm chất lượng, xí nghiệp đã tiến hành nhập nước sớm từ khoảng 20 – 25/12 của năm trước thông qua các đợt thủy triều trên sông Đáy. Xí nghiệp Thủy nông Kim Bảng phải làm việc với Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ (Bộ NN & PTNT) điều tiết đập Nhật Tựu trong thời gian con triều của sông Đáy tạo nguồn cho trạm bơm Giáp Ba hoạt động. Nguồn nước sông Đáy này được bơm vào hệ thống kênh mương tạo nguồn tưới dự trữ; đồng thời, đưa vào ruộng để tiến hành làm đất sớm tại những vùng không trồng cây vụ đông. Cùng với đó, xí nghiệp vận hành trạm bơm Quế Lâm (thị trấn Quế, Kim Bảng) mới được xây dựng, lấy nước trực tiếp từ sông Đáy tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp của thị trấn Quế, xã Văn Xá, một phần xã Nhật Tân và xã Kim Bình (TP Phủ Lý).

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Kim Bảng cho biết: Nguồn tưới chính cho diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Kim Bảng chủ yếu được phục vụ từ trạm bơm Giáp Ba trên sông Nhuệ. Vì thế, xí nghiệp luôn phải lợi dụng nước triều trên sông Đáy để nhập nước sớm. Nếu lấy nước muộn cùng với các địa phương thuộc địa bàn TP Hà Nội trong lưu vực sông Nhuệ, mực nước sẽ xuống rất thấp dưới mức thiết kế trạm bơm và mức độ ô nhiễm tăng đáng kể.

Với các địa phương khác trong tỉnh, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tưới cũng đang diễn ra tại không ít các tuyến kênh mương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các tuyến kênh bị ô nhiễm là từ nguồn chất thải, nước thải tại các khu dân cư, trong quá trình sản xuất của người dân đổ trực tiếp ra lòng kênh mương. Nổi lên, tại huyện Bình Lục, tuyến kênh S17-6 trên địa bàn xã Bối Cầu thường xuyên đen đặc từ chất thải gia súc. Đây được xác định là nguồn thải của những hộ buôn bán lợn trong vùng đổ trực tiếp ra kênh. Tuyến kênh loại 2 này chịu trách nhiệm tạo nguồn tưới cho một phần diện tích trên địa bàn xã.

Ô nhiễm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp
Công nhân Xí nghiệp Thủy nông huyện Lý Nhân vớt rác thải vệ sinh kênh mương tại cống Đồng Nhân, trên tuyến kênh chính Như Trác. Ảnh: Thành Nam

Với đoạn kênh cuối hệ thống trạm bơm tưới Như Trác gần cống Mỹ Duệ, xã Tràng An hiện nay ô nhiễm nặng do lượng rác thải gần như lấp kín lòng kênh. Tuyến kênh Đông, chạy qua thị trấn Bình Mỹ dường như trở thành điểm xả thải của khu dân cư và chợ gần đó. Đặc biệt, kênh S10 cũng trên địa bàn thị trấn Bình Mỹ đang là nơi chứa lượng lớn nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Vào mùa khô, lượng nước trên kênh ít, mức độ ô nhiễm thể hiện khá rõ qua màu nước và mùi từ nước bốc lên. Có một thực tế, tuy chức năng của kênh S10 phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng đang trở thành kênh dẫn nước thải sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Bình Lục, tình trạng ô nhiễm kênh mương được đơn vị nắm bắt từ lâu, đã có những biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề này rất khó khi không có sự giải quyết đồng bộ, triệt để.

Thực tế, việc triển khai các biện pháp tạo nguồn nước chất lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường kênh mương đã được các cấp chính quyền và đơn vị phục vụ quan tâm triển khai và đạt được hiệu quả nhất định. Nổi bật, việc xây dựng hệ thống thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý giúp cải tạo môi trường nguồn nước rõ rệt. Theo đó, nguồn nước triều từ sông Hồng và sông Đáy được lấy qua các cụm công trình đầu mối cống, âu thuyền Tắc Giang và Phủ Lý hòa tan lượng nước ô nhiễm của sông Nhuệ chảy vào sông Châu, sông Duy Tiên. Phần lớn lượng nước tưới cho mùa vụ của thị xã Duy Tiên, một phần huyện Bình Lục, Thanh Liêm, Lý Nhân, TP Phủ Lý từ nước triều sông Hồng, hoàn toàn không còn phụ thuộc vào nước sông Nhuệ thường xuyên ô nhiễm.

Để hạn chế tình trạng bỏ rác thải gây ô nhiễm lòng kênh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Hà Nam đã đầu tư lưới chắn rác tại khu vực cống Mỹ Duệ (xã Tràng An), tại kênh S17 trên địa bàn xã An Nội, thuộc huyện Bình Lục. Trước mỗi đợt tưới, các đơn vị thủy nông tổ chức vệ sinh kênh mương, vớt rác thải. Chỉ tính riêng Xí nghiệp Thủy nông huyện Bình Lục trong năm 2022 đã vớt tổng số gần 700 m3 rác thải trên lòng kênh.

Trao đổi về nỗ lực ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Trương Đức Thiện, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam cho biết: Để bảo đảm chất lượng nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đơn vị đã phải triển khai rất nhiều biện pháp. Một trong những cách làm chính là tranh thủ tối đa nguồn nước thủy triều của các sông lớn chảy qua địa bàn. Tuy nhiên, những tuyến kênh nội đồng chịu tác động ô nhiễm từ chính nguồn rác thải, nước thải trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân nên rất khó giải quyết.

Nước tưới là yếu tố quan trọng của sản xuất nông nghiệp góp phần tạo nên năng suất, chất lượng sản phẩm. Do vậy, cùng với nỗ lực, cố gắng của các đơn vị phục vụ, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của chính quyền các địa phương trong công tác quản lý, ngăn chặn hiệu quả nguồn phát thải gây ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống kênh mương. Các địa phương, đơn vị cần tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân chung tay bảo vệ môi trường, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy