Đê tả Đáy đoạn từ K130+096 - K130+365 thuộc địa bàn xã Thanh Nghị (Thanh Liêm) vừa được phát hiện bị nứt dọc giữa mặt đê, chiều rộng vết nứt 1 - 3 cm, sâu 5 - 25 cm, tổng chiều dài vết nứt 269 mét. Tại 2 bên mái thượng và hạ lưu cũng có hiện tượng một số vết nứt dọc theo mái đê.
Được biết, hiện trạng tuyến đê khu vực xảy ra sự cố có mặt đê rải đá cấp phối rộng khoảng 3,6m, cao trình mặt đê từ 6,2 - 6,4 m; hệ số mái thượng lưu từ 1,5 - 1,7 m, hạ lưu từ 2,5 - 2,7 m; thượng lưu có tre chắn sóng trên cơ thấp, thoải, sát cơ thượng lưu có đầm ao; hạ lưu có cơ rộng từ 4 - 8 m, sát chân đê là ruộng, đầm ao và nhà dân.
Đoạn đê xảy ra sự cố cách bờ sông khoảng từ 150 - 180 m. Đê được đắp từ lâu, mặt đê nhỏ hẹp, rải đá cấp phối, lượng xe tải lưu thông không nhiều, chưa có hiện tượng sạt trượt. Do vậy, nguyên nhân được đánh giá ban đầu có thể do địa chất nền đê yếu. Mặt khác, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhiều ngày xảy ra hiện tượng co ngót không đồng đều dẫn đến nứt mặt đê và mái đê.
Đây được xác định là sự cố rất nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê, đặc biệt khi có mưa lũ. Hiện nay, đoạn đê đã được cắm biển và căng dây, khoanh vùng khu vực sự cố cấm tất cả ô tô lưu thông qua. Các cấp, ngành chức năng xây dựng và phê duyệt phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm tuyến đê khu vực xảy ra sự cố. Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ phương án theo phương châm "4 tại chỗ" đảm bảo đối phó kịp thời với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hướng tới, nghiên cứu để có giải pháp xử lý sự cố đảm bảo an toàn về lâu dài cho tuyến đê.
Mạnh Hùng