Theo dự báo, trong quý IV/2023, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ bắt đầu chuyển hướng tích cực hơn so với ba quý trước. Giá bán sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) được cho rằng sẽ ổn định, tăng nhẹ ở phân khúc căn hộ. Hiện tượng “cắt lỗ” sâu của nhà đầu tư cũng hầu như không còn. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến thời điểm này, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh dường như vẫn rất trầm lắng, khách nhu cầu đầu tư ít, thanh khoản chậm. Hy vọng, trong thời gian “nước rút”, với những động thái tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và của tỉnh, thị trường BĐS sẽ sớm được phục hồi và phát triển lành mạnh.
Nỗ lực tháo gỡ
Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường BĐS, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tiếp đó, ngày 28/4/2023, UBND tỉnh đã ra Văn bản số 835/UBND-GTXD về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP; ngày 1/8/2023, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 1507/KH-UBND quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ, công chức... nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 148 dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được chấp thuận đầu tư/cho phép đầu tư/chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc lựa chọn nhà đầu tư, cụ thể nhóm dự án thực hiện trước Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, tổng số 96 dự án; trong đó, Dự án khu đô thị, nhà ở đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư hoặc cho phép đầu tư: 87 dự án (Quý III/2023 đã thông báo chấm dứt hoạt động 02 dự án); Nhóm dự án thực hiện từ khi Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực: 52 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (đến nay 27/52 dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, quý III/2023 chấp thuận 04 dự án, gồm 3 dự án nhà ở thương mại, 01 dự án nhà ở xã hội; 03 dự án được lựa chọn nhà đầu tư... Ông Lê Hải Minh, Trưởng Phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng) nhận định: Đến thời điểm này, nhìn chung các dự án đều được triển khai đồng bộ, tiến độ một số dự án đã khởi công được đẩy nhanh; còn lại đa số các dự án đều đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng đã chủ động thực hiện rà soát danh mục, tiến độ thực hiện các dự án BĐS, rà soát các vướng mắc trong triển khai thực hiện đối với từng dự án để tham mưu UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn; xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty cổ phần Hưng Hòa, giải quyết tồn tại vướng mắc dự án Khu nhà ở Lam Hạ Center Point;…
Như vậy tính đến 30/9/2023, trên địa bàn tỉnh đã có 07 lô đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà ở, khu dân cư và có 07 dự án nhà ở thương mại đã được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, 9 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ, đất nền là 1.580 giao dịch với tổng giá trị 741.626 triệu đồng (số lượng giao dịch tăng so với quý II là 1.172 giao dịch). Mặc dù, đã có dấu hiệu phục hồi song thực tế nguồn cung BĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Điều đó, có nghĩa, thị trường BĐS những tháng cuối năm vẫn chưa hết khó.
Chưa có tín hiệu khả quan
Theo đánh giá của ngành chức năng, cho đến thời điểm này, thị trường BĐS dù đã thoát khỏi tình trạng “đóng băng” nhưng vẫn khá trầm lắng. Công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, tiến độ các dự án BĐS giải ngân chậm. Cùng với đó, các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… chưa thống nhất, đồng bộ, nhiều nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện nên việc triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân còn nhiều khó khăn… Cụ thể như quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án và làm chậm tiến độ triển khai dự án; các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải bảo đảm đủ 03 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện… dẫn đến tình trạng người dân và chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Chính các vướng mắc trong các quy định của pháp luật dẫn đến việc tham mưu giải quyết các tồn tại trong thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án BĐS còn chưa bảo đảm, số lượng các quy hoạch đến thời kỳ rà soát, điều chỉnh, quy hoạch cần phải tổ chức lập để phủ kín các cấp độ quy hoạch lớn dẫn đến khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong công tác tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch, đặc biệt khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng, rà soát quy hoạch sử dụng đất...
Đồng bộ các giải pháp - quyết liệt trong chỉ đạo
Với quan điểm, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đầu tư, môi trường, đất đai, BĐS, thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021-2025; phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công tác đặc biệt của tỉnh trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Sau khi Quy hoạch tỉnh được duyệt, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; rà soát kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở, lập kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024; xây dựng danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2024 để điều chỉnh, bổ sung các dự án bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc lập, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phục vụ thu hút đầu tư nhằm tăng nguồn cung cho thị trường BĐS.
Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở ngành đối với quá trình đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, BĐS trên địa bàn tỉnh; công khai các dự án kinh doanh BĐS; hoàn thành thu thập, cập nhật thông tin nhà ở và thị trường BĐS lên cổng thông tin của Bộ Xây dựng, định kỳ công bố trên trang thông tin của Sở Xây dựng để người dân tìm hiểu và nắm bắt thông tin các dự án. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình thuộc dự án trên phần diện tích được giao đất, đã cấp giấy phép xây dựng. Thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý khai thác dự án BĐS theo quy định của pháp luật, công khai đầy đủ chính xác các thông tin về dự án, BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định; Chủ động, tích cực phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường tại địa phương để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”; tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá BĐS lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường.
Trong quý IV/2023, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS cũng đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua trong tháng 11. Nếu Luật Đất đai 2023 được áp dụng đúng tiến độ sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm sau, các nút thắt trong phê duyệt dự án tại các khu dân cư mới, giúp nguồn cung nhà ở phục hồi trong giai đoạn 2024-2025 sẽ được giải quyết. Đây là cột mốc quan trọng đối với thị trường BĐS cuối năm 2023 và quyết định sự hồi phục của BĐS trong năm 2024 của Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Minh Thu