Thời gian gần đây, khi di chuyển qua nhiều tuyến đường trong tỉnh, người tham gia giao thông bắt gặp không ít những chiếc công nông, xe ba gác 3- 4 bánh tự chế “oằn mình” chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải lưu thông trên đường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm do phương tiện tự chế gây ra. Do vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn nữa để giải quyết, xử lý nghiêm phương tiện tự chế, qua đó tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông mỗi ngày.
Những tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra
Đã gần 1 năm trôi qua nhưng người dân Thôn 2 Cát Lại (xã Bình Nghĩa, Bình Lục) vẫn chưa thể quên vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra tại tuyến tỉnh lộ (ĐT491) chạy qua địa bàn thôn giữa xe công nông tự chế và xe máy cùng chiều khiến 1 nam thanh niên tử vong.
Vụ tai nạn xảy ra vào buổi chiều muộn, khi anh T.V.T điều khiển xe chở nhiều cây sắt dài cồng kềnh di chuyển theo hướng từ Tràng An (Bình Lục) về Vĩnh Trụ (Lý Nhân). Khi đến địa bàn Thôn 2 Cát Lại, xe công nông tự chế do anh T.V.T điều khiển bất ngờ gãy trục sau, văng ra đường. Đúng lúc này anh N.V.B (ở xã Hòa Hậu, Lý Nhân) đang điều khiển xe máy đi cùng chiều vượt lên thì bất ngờ bị toàn bộ thành thùng xe cùng số sắt xếp trên xe văng ra đè lên người, xe máy văng ra phía vệ đường. Do cú va chạm mạnh và bị khối lượng sắt khá lớn đè lên người cộng thêm mất nhiều máu nên anh N.V.B bị tử vong trên đường đi cấp cứu.
Mới đây nhất, chị N.T.L (quê Nhân Bình, Lý Nhân); công nhân làm việc tại CCN Trung Lương, Bình Lục) trên đường đi làm về, khi lưu thông xe máy trên ĐT496B đoạn qua địa bàn thôn Bùi (Hưng Công, Bình Lục) bất ngờ bị xe ba gác chở đầy tôn, hộp kẽm lưu thông theo hướng cùng chiều đâm vào từ phía sau, ngã văng ra đường. Vụ tai nạn khiến chị N.T.L bị thương nặng, gãy 5 xương sườn, bị tổn thương nặng ở phần lưng, đặc biệt phần chân bị đứt gân và hiện tại đang phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội. Đây chỉ là 2 trong hàng chục vụ TNGT đáng tiếc xảy ra do xe tự chế gây ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Cần kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Đến thời điểm hiện tại, ngành chức năng chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng xe tự chế 3-4 bánh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (do thường xuyên biến động). Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại phương tiện này, hằng năm Công an tỉnh Hà Nam đều có văn bản chỉ đạo công an các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở và tổ chức cho chủ phương tiện ký cam kết thực hiện nghiêm quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng chủ phương tiện đến ký cam kết còn hạn chế.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng xe tự chế trên địa bàn tỉnh thời gian qua tăng cao, do xe tự chế cần ít vốn đầu tư ban đầu, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, giá thành vận chuyển hàng thấp, dễ dàng đi lại trong các ngõ nhỏ… Bởi thế, thời điểm hiện tại, xe ba gác tự chế được một bộ phận hộ kinh doanh nhỏ lẻ và những người dân có ít vốn đầu tư thường xuyên sử dụng. Hằng ngày, các loại xe tự chế được người dân dùng để chở vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, nông sản hàng hóa, đồ nội thất, vật dụng gia đình... Một số cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, kim khí, nhất là kinh doanh thép, tôn đã tự chế ra những chiếc từ xe máy cũ để phục vụ việc chuyên chở hàng cho khách. Mỗi khi lưu thông, những chiếc xe tự chế chất đầy hàng cồng kềnh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Thành Phong (trú tại thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) bức xúc cho biết: Hằng ngày đi làm tôi bắt gặp rất nhiều xe tự chế chở hàng cồng kềnh chạy trên đường khiến các phương tiện khác đi lại rất khó khăn, nhất là tại những tuyến đường nhỏ hẹp, đông phương tiện qua lại. Chưa kể, những người điều khiển xe hay phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người tham gia giao thông. Do đó, cứ mỗi khi thấy xe tự chế, tôi đều phải chạy chậm lại, tránh xa để bảo đảm an toàn. Đề nghị ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Anh Nguyễn Văn Đại (chủ một cửa hàng kinh doanh kim khí ở Tràng An, Bình Lục) lý giải: Để mua một chiếc xe ô tô có trọng tải tương tự phải bỏ ra 400-500 triệu đồng, phải đi học bằng lái, trong khi mua một chiếc xe ba gác tự chế chỉ mất 25-30 triệu đồng. Ngoài ra, xe ba gác có thân, thùng nhỏ gọn nên có thể chuyên chở vật liệu vào các ngõ ngách, đến tận chân công trình, rất tiện lợi.
Theo phân tích của lực lượng chức năng, xe tự chế 3-4 bánh có nguy cơ gây TNGT rất cao. Đa số phương tiện này do các cơ sở sản xuất tự thiết kế, gia công, không bảo đảm chỉ số an toàn theo quy định, chắp vá từ nhiều vật liệu, thậm chí lắp ghép từ phụ tùng của ô tô, xe máy đã hết niên hạn sử dụng… Cùng với đó, đội ngũ lái xe tự chế phần lớn là lao động phổ thông ở nông thôn, không được đào tạo cơ bản, không có giấy phép lái xe, khi tham gia giao thông ngoài việc chở hàng cồng kềnh, những lái xe này còn phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT.
Để hạn chế những vụ TNGT do xe tự chế gây ra, ngoài đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến chủ phương tiện và người dân, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 10 tháng năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã xử lý trên 600 trường hợp vi phạm, tạm giữ 217 xe, tịch thu 105 xe các loại.
Thực tế hầu hết các loại xe tự chế người dân đang sử dụng đều phục vụ nhu cầu mưu sinh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta có thể coi nhẹ sự an toàn của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”. Quy định cấm xe ô tô hết niên hạn, xe công nông, xe tự chế của Chính phủ nhằm góp phần kiềm chế, giảm thiểu TNGT đường bộ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết ngay được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân cũng như bố trí việc làm cho chủ phương tiện khi phương tiện này bị cấm lưu hành. Chính bởi vậy, thời điểm hiện tại, phần lớn phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế vẫn tiếp tục lưu hành một cách tự phát. Điều đó phần nào làm giảm tính nghiêm minh, hiệu quả trong chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây khó khăn cho công tác quản lý và làm giảm niềm tin trong nhân dân. Mặc dù, đã có nhiều quy định, chế tài và lực lượng chức năng duy trì nhiều giải pháp trong tuyên truyền, vận động và ra quân xử lý vi phạm, nhưng đến nay, tình trạng xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vẫn diễn ra hằng ngày.
Vì vậy, thời gian tới, lực lượng chức năng cần tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế tham gia giao thông. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần tự giác nâng cao nhận thức, không vì lợi ích trước mắt mà bất chấp quy định pháp luật, cố tình lưu hành các loại phương tiện không bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.
Trần Ích