Khó khăn xử lý ô nhiễm môi trường ở Ngọc Lũ

Nếu như trước đây, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) luôn được coi là “điểm đen” về tình trạng ô nhiễm môi trường của tỉnh Hà Nam, thì đến thời điểm này, tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Ngọc Lũ đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Ngọc Lũ, rất nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết đồng bộ, hiệu quả của chính quyền địa phương và ý thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường cũng phải có sự chuyển biến tích cực. 

So với năm 2015, số hộ chăn nuôi lợn hiện nay của xã Ngọc Lũ đã giảm mạnh, từ 1.700 hộ xuống còn 380 hộ (chiếm khoảng 17% tổng số hộ dân trong xã); tổng đàn lợn của xã cũng giảm từ 100 nghìn con xuống còn khoảng 17-18 nghìn con, tập trung chủ yếu ở thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Theo ông Đặng Văn Cử, Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân là do, sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, cộng với giá lợn hơi giảm mạnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, người chăn nuôi lỗ nặng, nhiều hộ chăn nuôi đã phá chuồng, chuyển hướng đầu tư. Cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động của Ngọc Lũ vì thế cũng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, từ lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Mức độ ô nhiễm môi trường ở Ngọc Lũ vì thế cũng đã giảm đi rất nhiều, nhất là đối với môi trường không khí và môi trường nước.

Khó khăn xử lý ô nhiễm môi trường ở Ngọc Lũ
Một số thiết bị của nhà máy đã xuống cấp. Ảnh: Trần Minh

Nếu như trước đây, chỉ cần đặt chân đến điểm giáp ranh giữa Ngọc Lũ và các xã lân cận là đã thấy mùi xú uế nồng nặc bốc lên từ các kênh, mương, ao hồ. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, mùi ô nhiễm gần như trở thành thứ “đặc sản” của làng chăn nuôi, “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc thì đến nay, những vấn đề đó, ít nhiều đã được giải quyết... Tuy nhiên, do hệ thống xử lý chất thải từ chăn nuôi ở Ngọc Lũ hiện vẫn còn nhiều bất cập nên tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm. Mặc dù, hầu hết các hộ chăn nuôi đã xây dựng hầm biogas để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, song, do số lượng chất thải lớn, hầm biogas nhỏ, nên lượng nước thải chưa qua xử lý ở các hộ chăn nuôi (nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư) vẫn xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước trên các kênh tưới, tiêu của xã, điển hình là kênh 19/5 (gần điểm trường Tiểu học và THCS của xã). Điều này, đã trở thành vấn đề “nóng” được cử tri Phạm Văn Liên (đại diện cử tri của xã Ngọc Lũ phản ánh tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Hà Nam ngày 26/4 vừa qua.

Được biết, năm 2010, để hỗ trợ Ngọc Lũ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khởi công xây dựng thí điểm Nhà máy xử lý chất thải tại xã Ngọc Lũ với kinh phí 7 tỷ đồng. Năm 2011, công trình hoàn thành và được bàn giao cho địa phương quản lý. Công trình hoạt động theo tiêu chuẩn khép kín từ thu gom tới xử lý chất thải, khi đi vào hoạt động sẽ xử lý chất thải cho khoảng 200 hộ dân, tương ứng với nuôi 10.000 con lợn. Tuy nhiên, 12 năm qua, công trình này gần như không hoạt động do thiếu kinh phí vận hành. Nhà máy xử lý chất thải “đắp chiếu” trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang là bài toán chưa có lời giải đối với cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Lũ nói riêng, huyện Bình Lục nói chung.

Khó khăn xử lý ô nhiễm môi trường ở Ngọc Lũ
Công trình Nhà máy xử lý nước thải chăn nuôi ở Thôn 1, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) sau
12 năm hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động do thiếu kinh phí vận hành.

Ông Đặng Văn Cử, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp triển khai một số biện pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, cụ thể như: vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng hầm biogas, hệ thống chuồng trại theo quy chuẩn; quy hoạch xây dựng đề án khu chăn nuôi tập trung... Tuy nhiên, do những khó khăn chủ quan, khách quan nên những giải pháp trên dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”, bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi vẫn chưa tìm được lời giải đúng, trúng. Các hộ chăn nuôi sau trận “bão dịch”, “bão giá” hầu như không còn khả năng đầu tư chuồng trại theo quy chuẩn.

Ngoài 10 hộ chăn nuôi có quy mô lớn thì hầu hết các hộ còn lại vẫn chăn nuôi theo quy mô nhỏ, lẻ trong khu dân cư (khoảng 7-9 con/hộ), vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Đề án xây dựng khu chăn nuôi tập trung cũng rất khó triển khai vì nhiều hộ chăn nuôi không còn mặn mà với con nuôi mà trước đây đã từng đem lại đời sống khấm khá cho người dân Ngọc Lũ; mô hình chăn nuôi lợn tập trung cũng đang có xu hướng ngày càng thu hẹp, chủ yếu phát triển theo hướng gia trại nên vấn đề ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi những cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cần linh hoạt các biện pháp xã hội hóa, khuyến khích, vận động người chăn nuôi chủ động áp dụng công nghệ xử lý môi trường theo đúng quy chuẩn; đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn môi trường vì sức khỏe, môi trường sống của bản thân, gia đình và cộng đồng.     

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy