kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường ở Thanh Sơn

Khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường ở Thanh Sơn

Việc khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực này đã gây không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Nằm ở phía Tây sông Đáy, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) có 30 doanh nghiệp khai thác, chế biến vật liệu xây dựng ở khu vực núi đá.

Những năm qua, các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản ở Thanh Sơn có nhiều đóng góp cho ngành vật liệu xây dựng của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực này đã gây không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Chỉ tay về phía tuyến đường trước cửa nhà, ông Nguyễn Duy Mai, thôn Bút Sơn bức xúc nói: Hằng ngày, tuyến đường này có tới hàng trăm lượt xe tải chạy qua. Ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa thì đường lầy lội. Xe tải chạy trên đường chủ yếu chở vật liệu xây dựng cho Nhà máy xi măng Bút Sơn và ra vào các mỏ đá trong khu vực. Hôm nào bụi bẩn quá họ chỉ tưới qua một lần nước, khoảng 15 đến 20 phút đường lại khô, khi xe chạy qua bụi bẩn lại quấn vào nhà dân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khổ nhất là người già và trẻ nhỏ, ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến đường hô hấp, sinh ra bệnh tật.

Đường vào thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) luôn có nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi đất đá gây ô nhiễm môi trường.

Cũng như ông Mai, hàng trăm hộ dân ở thôn Bút Sơn hằng ngày phải sống trong môi trường ô nhiễm do các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản gây ra. Nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường ở khu vực chủ yếu là do: Khói bụi của nhà máy xi măng, khói bụi từ các cơ sở khai thác chế biến đá, bụi từ xe chở quá tải chạy rơi vãi vật liệu xây dựng trên đường.

Ông Nguyễn Xuân Điệp, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Xã Thanh Sơn hiện có 16 doanh nghiệp khai thác chế biến đá, 8 doanh nghiệp sản xuất bột đá, 5 doanh nghiệp sản xuất gạch, 1 doanh nghiệp sản xuất xi măng. Hằng ngày, khí thải, khói, bụi từ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bay ra gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngoài ra, dọc các tuyến đường, số lượng ô tô thường xuyên ra vào các doanh nghiệp vận chuyển vật liệu xây dựng rất lớn, khi xe chạy làm vật liệu rơi vãi ra đường, quấn bụi bay mù mịt... ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hằng năm xã Thanh Sơn đều tổ chức làm việc với các doanh nghiệp và thống nhất thành lập một tổ vệ sinh gồm 15 người, chuyên tưới nước, quét mặt đường ở khu vực có nhiều phương tiện qua lại. Mức lương trả cho lao động tưới nước, quét đường một tháng từ 2 - 3 triệu đồng/người. Toàn bộ kinh phí chi trả cho người lao động do các doanh nghiệp đóng góp (tính bình quân, mỗi doanh nghiệp khoảng 10 triệu đồng/năm).

Tuy nhiên, năm 2018 mới chỉ có một doanh nghiệp đóng góp, các doanh nghiệp còn lại chưa nộp tiền vệ sinh môi trường cho xã (mặc dù rất nhiều lần xã đôn đốc). Không có kinh phí, từ tháng 10/2017 đến nay, xã vẫn nợ lương người lao động của tổ vệ sinh. Nếu như không thu được kinh phí vệ sinh đường từ các doanh nghiệp, tổ vệ sinh đường sẽ khó duy trì hoạt động.

Để bảo vệ môi trường khu vực xã Thanh Sơn nói riêng, khu vực Tây Đáy nói chung, việc tiếp tục rà soát, chấn chỉnh lại quá trình hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, gắn khai thác tài nguyên khoáng sản với bảo vệ môi trường bền vững là rất cần thiết.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải của các cơ sở khai thác chế biến đá, kiên quyết xử lý, thậm chí đóng cửa mỏ đối với các cơ sở cố tình không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Đối với các cơ sở khai thác chế biến đá, phải đầu tư hệ thống phun sương; thường xuyên có sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Đối với các nhà máy xi măng, cần thường xuyên công khai chỉ số xả thải trước nhân dân. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần kiên quyết xử lý xe quá tải, quá khổ làm rơi vãi vật liệu gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài các giải pháp trên, mỗi xã cần duy trì đội vệ sinh môi trường trên các tuyến đường để bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường cho người dân tham gia giao thông và sinh sống hai bên đường.

Trần Hữu

Hữu Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy