Theo kế hoạch, hết quý I/2025, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ (QL1A) giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối 2 di tích Quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định) sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây là một trong những dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, rất nhiều giải pháp đã được tỉnh triển khai thực hiện. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
P.V: Giao thông được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong mấy năm gần đây, Hà Nam đã tập trung ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng giao thông. Đó cũng chính là lý do để Hà Nam chấp thuận đầu tư thêm 350 tỷ đồng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định), gọi tắt là dự án Trục hành lang Đông Tây, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, được chia làm 2 tuyến, có tổng chiều dài là 46,6 km, với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.600 tỷ đồng, do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025. Dự án do Tập đoàn Xuân Thành, Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong, Công ty Cường Thịnh Thi và VINACOINEX-E&C thi công. Năm 2024, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và định hướng phát triển du lịch của địa phương, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư thêm 350 tỷ đồng để mở rộng nền đường và đồng bộ hạ tầng (bao gồm: đường gom, hệ thống cây xanh, đèn đường...). Có thể nói, việc đầu tư mở rộng tuyến đường sớm hơn dự kiến cũng chính là điều kiện thuận lợi để Hà Nam đón đầu cơ hội khi nút giao cao tốc ở Liêm Sơn được mở.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự quyết tâm của các nhà thầu, tin rằng, quí II/2025, dự án Trục hành lang Đông Tây sẽ bảo đảm thông tuyến theo đúng kế hoạch đề ra.
P.V: Không chỉ ưu tiên về vốn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng được tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với các địa phương có diện tích đất thu hồi phục vụ dự án?
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Để có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu bảo đảm đúng tiến độ, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện Lý Nhân, Bình Lục và Thanh Liêm triển khai quyết liệt công tác GPMB, theo phương châm vừa thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, vừa vận động các hộ dân di dời trước, nhường đất cho dự án. Theo đó, yêu cầu các địa phương chậm nhất đến ngày 15/10/2024 phải bàn giao xong toàn bộ mặt bằng, phục vụ công tác thi công của các nhà thầu. Đồng thời, khẩn trương GPMB, hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, để các hộ dân thuộc diện thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm này, các tuyến chính cơ bản đã hoàn thành công tác GPMB, bảo đảm cho nhà thầu triển khai các mũi thi công. Phần mặt bằng còn lại đang được các địa phương tích cực thực hiện theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
P.V: Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà thầu, đến thời điểm này, công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng đất ở và tiến độ triển khai một số dự án tái định cư vẫn còn chậm; một số vị trí đường điện, nước trên tuyến chưa tháo dỡ di chuyển... làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Vậy quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong công tác GPMB; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, kết luận tại Hội nghị nghe Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý Khu đại học Nam Cao báo cáo tình hình chuẩn bị các thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn ngày 25/9 vừa qua, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) khẩn trương rà soát, thực hiện hoàn thành các thủ tục phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu bổ sung; tổ chức lựa chọn nhà thầu lập thiết kế điều chỉnh; phấn đấu khởi công phần khối lượng điều chỉnh, bổ sung giai đoạn 1 trước ngày 25/10/2024; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để chậm tiến độ dự án, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công trung ương đã bố trí (yêu cầu giải ngân hết 100%).
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân chủ động giải quyết những tồn tại trong công tác GPMB, để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công công trình bảo đảm tiến độ. Theo đó, yêu cầu huyện Bình Lục tiếp tục vận động, chi trả cho các hộ đã phê duyệt; tổ chức di chuyển sớm các công trình công cộng (trạm bơm, đường điện, trụ sở, trường học,...); đôn đốc các hộ đã nhận tiền (khu vực xã Bối Cầu, La Sơn, Ngọc Lũ) khẩn trương tháo dỡ. Riêng đối với huyện Lý Nhân là địa phương có diện tích thu hồi lớn cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động; tổ chức chi trả tiền đất ở tại xã Trần Hưng Đạo (tuyến 1+ tuyến 2) và xã Hoà Hậu; đôn đốc tháo dỡ mặt bằng các vị trí đất ở đã nhận tiền; đẩy nhanh tiến độ di chuyển đường điện 35kV, 22kV, 0,4kV và hoàn thiện thủ tục di chuyển đường điện 110KV. Riêng UBND huyện Lý Nhân khẩn trương tổ chức bàn giao mặt bằng còn lại cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh trước ngày 15/10/2024.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, trên cơ sở, rà soát toàn bộ mặt bằng đã được nhận bàn giao của dự án, tiến hành đối chiếu với hồ sơ dự án; đồng thời, chủ động phối hợp với các huyện giải quyết dứt điểm những tồn tại vướng mắc; bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ và qui định của pháp luật.
P.V: Khi tuyến đường hoàn thành ngoài việc chia lửa cho tuyến đường nối 2 cao tốc vừa nâng cấp đã mãn tải, vừa tạo ra một trục giao thương mới vô cùng thuận tiện của vùng tứ giác Hà Hưng Nam Thái (Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định). Vậy có thể coi đây là dự án đón đầu trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Hà Nam?
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Trục hành lang Đông Tây có điểm đầu là nút giao với QL1A tại xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) và điểm cuối tuyến sẽ là điểm kết nối với cầu Thái Hà để sang tỉnh Thái Bình, hoặc qua cầu Hưng Hà để sang tỉnh Hưng Yên, kết nối với đường nối 2 cao tốc đi Hải Dương, Hải Phòng. Ngoài ra, tuyến đường cũng đi qua các huyện Thanh Liêm, Bình Lục và Lý Nhân. Đây sẽ là cơ hội để các địa phương khai thác và phát huy tiềm năng thế mạnh, hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và du lịch; tăng cường kết nối vùng. Qua đó, từng bước thay đổi diện mạo cơ cấu kinh tế địa phương, trở thành những” điểm nhấn” trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Với ý nghĩa kết nối giao thương giữa các vùng kinh tế trong, ngoài tỉnh, có thể khẳng định, cùng với nút giao Phú Thứ, trục hành lang Đông Tây hoàn thành đi vào khai thác sẽ tạo động lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển lên tầm cao mới.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Thu (Thực hiện)