Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nhưng lại tạo thời cơ giúp mảng thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhờ phát huy tối đa những lợi thế của mình.
Để thích ứng với thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, hầu hết các đơn vị kinh doanh đều đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến (online) thông qua các trang mạng xã hội, website hay các sàn TMĐT với nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu tiêu dùng. Đây được xem là điểm sáng của hoạt động thương mại trong năm 2020.
Năm 2020, mặc dù doanh thu có bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh Covid - 19 nhưng trước thềm năm mới 2021, ông Phạm Trí Quang, chủ một cơ sở sản xuất trống có quy mô tương đối lớn ở thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên vẫn rất phấn khởi khi nói về hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình mình. Từ câu chuyện bán hàng thời Covid – 19 được ông Quang chia sẻ cho thấy, trong những tháng đầu năm 2020, gia đình ông Quang gần như không tiêu thụ được hàng hóa, sản xuất duy trì cầm chừng để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn đó, ông và người thân trong gia đình đã dành thời gian để nghiên cứu kỹ hơn về thị trường, tìm hiểu, sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới. Cùng với đó, xây dựng website bán hàng, tăng cường quảng cáo trên facebook để quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới của gia đình, tham gia bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hà Nam…
Ông Quang cho biết: Trước đây, khách hàng của gia đình tôi chủ yếu đến tận nhà xem và mua hàng trực tiếp. Khách hàng cũng phần lớn là khách quen, người này giới thiệu cho người kia. Từ khi đẩy mạnh hoạt động quảng bá, bán hàng online, lượng khách hàng mới trên cả nước đặt mua online sản phẩm trống, bồn tắm, chậu ngâm chân, bom đựng rượu… ngày càng tăng. Năm 2020, gia đình tôi có trên 50% lượng khách hàng mới đặt mua sản phẩm thông qua facebook và website bán hàng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngay trong những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, gia đình tôi cũng đã xuất bán được lượng khá lớn các sản phẩm thông qua đường bưu điện vào các tỉnh miền Trung, miền Nam…
Kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, hàng thời trang, năm 2020, Tokyo Life Hà Nam (thành phố Phủ Lý) cũng là một trong những đơn vị đạt chỉ tiêu về doanh số bán hàng nhờ kết hợp song song giữa hình thức bán hàng offline (truyền thống) và online. Để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng mua online, Tokyo Life đã hỗ trợ khách hàng cài đặt ứng dụng tích điểm trên điện thoại di động. Với ứng dụng này, khách hàng không chỉ được giảm giá cho lần mua tiếp theo mà còn được cập nhật thường xuyên về những mặt hàng mới, chương trình giảm giá, khuyến mại của Tokyo Life trên toàn hệ thống. Nhờ đó, có thể đặt mua hàng online một cách nhanh chóng, kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, quản lý cửa hàng Tokyo Life Hà Nam cho biết: Hiện nay, trên ứng dụng tích điểm, Tokyo Life còn xây dựng công cụ đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng để từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đối tượng mua hàng của Tokyo Life phần lớn là các bạn trẻ, rất hiểu biết về công nghệ và có xu hướng mua hàng online ngày càng cao. Theo đó, Tokyo Life đã thực hiện đăng ký tài khoản và bán hàng trên một số sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki… nhằm tăng doanh thu bán hàng.
Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Còn tại Hà Nam, với những đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 26/02/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô. Đến nay, Hà Nam có 100% số doanh nghiệp đầu tư máy tính kết nối internet tốc độ cao ADSL hoặc cáp quang; 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp; 25% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 5% doanh nghiệp tham gia website TMĐT đã thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công thương. Theo khảo sát sơ bộ của Sở Công thương, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua TMĐT trong năm 2020 của Hà Nam tăng trên 30% so với năm 2019.
Tại một số thời điểm trong năm, lượng hàng hóa tiêu thụ tại nhiều đơn vị trong tỉnh thông qua TMĐT chiếm tới 50-70% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ ra thị trường. Trong đó, tập trung chủ yếu ở một số nhóm hàng thiết yếu, có nhu cầu sử dụng cao như: thực phẩm, rau củ, thức ăn nhanh, mỹ phẩm, giày dép, quần áo, đồ gia dụng… Một số siêu thị, cửa hàng còn đẩy mạnh quảng bá, khuyến khích người tiêu dùng đặt mua hàng online để được nhận ưu đãi hấp dẫn. Không chỉ được miễn phí giao hàng, các đơn vị còn giảm giá thành từ 5-10% cho khách hàng mua online.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, người dân, trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm lớn đối với hoạt động TMĐT. Nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lĩnh vực TMĐT đã được Sở Công thương triển khai hiệu quả như: hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền riêng của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website để quảng bá, thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến… Hà Nam phấn đấu đến năm 2025, dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55%, với giá trị mua hàng bình quân đạt khoảng 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; 90% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực TMDV phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; 80% website TMĐT của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT... Hà Nam đặt mục tiêu, năm 2025, tỉnh sẽ nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT hằng năm.
Như vậy, mặc dù không đạt được kết quả như kỳ vọng nhưng lĩnh vực thương mại dịch vụ của Hà Nam trong năm qua vẫn ghi nhận những mảng màu sáng. Hoạt động TMĐT đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đặc biệt là giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh bình đẳng, linh hoạt trong môi trường kinh doanh số. Tuy nhiên, đây là môi trường kinh doanh năng động và có hàm lượng công nghệ cao, đòi hỏi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần đổi mới tư duy, xây dựng mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, linh hoạt trong việc áp dụng song song hai hình thức bán hàng online và offline./.
Nguyễn Oanh