Năm 2020, xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kết quả này có sự đóng góp tích cực của các chương trình tín dụng chính sách đầu tư cho vay trên địa bàn.
Từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, gia đình chính sách vay để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống và xây dựng, sửa chữa, cải tạo thêm nhiều công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; đồng thời, góp phần giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá giàu. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã giảm còn 0,03%. Tín dụng ưu đãi ở Thanh Nguyên được các hội đoàn thể nhận ủy thác với ngân hàng phối hợp chặt chẽ trong quản lý nguồn vốn, đôn đốc thu nợ và cho vay bảo đảm đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Theo đánh giá của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Liêm, nguồn vốn tín dụng chính sách ở Thanh Nguyên những năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt trên các lĩnh vực. Đặc biệt, sau khi đồng chí chủ tịch UBND xã trực tiếp tham gia Ban đại diện, Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã gắn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương; chỉ đạo Ban giảm nghèo, trưởng thôn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường công tác quản lý và cho vay vốn.
Theo đó, Ban giảm nghèo xã đã thực hiện rà soát, xác nhận đúng đối tượng, tổ chức phân bổ vốn đến từng thôn, chỉ đạo trưởng thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác họp bình xét cho vay công khai, dân chủ; nhận và thông báo kết quả phê duyệt danh sách gia đình được vay vốn cho tổ để thông báo đến hộ. Đến ngày 31/5 tổng dư nợ trên địa bàn đạt 28 tỷ 069 triệu đồng, với 578 hộ vay vốn, trong đó chỉ có 4 hộ nợ quá hạn số tiền 59,2 triệu đồng, chiếm 0,002% tổng dư nợ. Riêng hội phụ nữ nhận ủy thác vốn vay nhiều năm không phát sinh nợ quá hạn.
Nhằm bảo đảm hiệu quả nguồn vốn, những năm qua Thanh Nguyên đặc biệt coi trọng việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội đoàn thể quản lý. Hiện nay, xã có 15 tổ tiết kiệm và vay vốn, kết quả xếp loại hằng năm 100% tổ xếp loại tốt và khá, không có tổ xếp loại trung bình, yếu. Điển hình như Tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Gia hoạt động nhiều năm không phát sinh nợ quá hạn. Tại đây, Ban quản lý tổ thường xuyên vận động tổ viên chấp hành quy chế hoạt động, thực hành tiết kiệm và giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ lãi vay đúng kỳ hạn. Đến thời điểm này, tổ đang quản lý 52 hộ vay với dư nợ 3 tỷ 094 triệu đồng và dư nợ tiết kiệm 120 triệu đồng. Tổ đã được các cấp, ngành ghi nhận và đánh giá cao về công tác quản lý vốn tín dụng ưu đãi tại địa phương.
Không những vậy, để tạo lập vốn tự có, các hội đoàn thể của xã vận động hội viên tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ hằng tháng. Đến nay, số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn ở Thanh Nguyên đạt hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó Hội Cựu chiến binh hơn 345 triệu đồng. Đây là nguồn dự phòng giúp các hộ vay vốn có thêm nguồn để trả nợ khi đến hạn theo phân kỳ; đồng thời giảm bớt khó khăn, áp lực về tài chính khi đến hạn trả nợ cuối kỳ.
Nhờ có nguồn vốn được vay, hiện nay Thanh Nguyên đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh và giải quyết thêm nhiều việc làm mới cho người lao động ở nông thôn. Điển hình như cơ sở sản xuất mộc của gia đình ông Vũ Văn Toàn ở thôn Mọc Tòng những năm qua đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, trong đó nhiều người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Ông Toàn cho biết: Được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm do Hội Cựu chiến binh xã quản lý, gia đình tôi đầu tư sản xuất đồ mộc dân dụng phục vụ nhu cầu của người dân trong thôn và vùng lân cận. Nay cơ sở vừa sản xuất đồ mộc dân dụng, vừa liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp phục vụ khối văn phòng, trường học. Dự định thời gian tới gia đình sẽ mở rộng xưởng mộc trên diện tích hơn 500 m2 và tiếp tục vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư máy móc thiết bị, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.
Mặc dù đã có nhiều giải pháp quan tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhưng thời gian qua một số hộ phát sinh vì mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro đã ảnh hưởng đến chính sách giảm nghèo tại địa phương. Theo đó, Ban giảm nghèo xã căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu các hội đoàn thể tăng cường phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện rà soát đối tượng cho vay; đồng thời tập trung đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, tránh trường hợp trây ỳ, nợ đọng kéo dài nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.
Phùng Thắng