kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Vì sao chương trình hỗ trợ lãi suất 2% chưa thu hút được nhiều khách hàng?

Vì sao chương trình hỗ trợ lãi suất 2% chưa thu hút được nhiều khách hàng?

Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thông qua các ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện rất ít khách hàng trên địa bàn tỉnh tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2%. Vậy nguyên nhân do đâu?

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, tính đến hết tháng 6/2023, thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, toàn tỉnh mới có 28 khách hàng, (trong đó có 12 doanh nghiệp và 16 hộ kinh doanh) được hỗ trợ lãi suất 2 tỷ 250 triệu đồng. Sau hơn một năm thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM trên địa bàn tỉnh được 1.021 tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tính đến hết tháng 6/2023 đạt 439 tỷ đồng.

Theo lý giải của nhiều NHTM, khi Chính phủ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, thông qua các NHTM, nhiều ngân hàng cũng đã vào cuộc tuyên truyền cho khách hàng vay vốn để hưởng lãi suất. Tuy nhiên, trong thời điểm 6 tháng đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch được giao cả năm 2022 nên chỉ khi nào khách hàng trả vốn thì khách hàng khác mới vay được. Một số khách hàng muốn vay vốn hỗ trợ lãi suất lại không đủ điều kiện quy định. Bởi theo quy định chỉ có 11 nhóm ngành được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục – đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất khẩu phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ. Chương trình được áp dụng đối với các thoả thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023; đối với khách hàng có nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023.

Vì sao chương trình hỗ trợ lãi suất 2 chưa thu hút được nhiều khách hàng
Hoạt động giao dịch tại Chi nhánh Agribank Hà Nam II. Ảnh: Trần Thoan

Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất, các NHTM đã chỉ đạo chi nhánh trực thuộc phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, rà soát những hộ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 và triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo quy định. Nhiều khách hàng đã đến tìm hiểu thủ tục vay vốn để hưởng lãi suất 2% song khi ngân hàng kiểm tra hướng dẫn còn thiếu điều kiện như: hóa đơn đầu vào, đầu ra, phương án phục hồi sản xuất kinh doanh nên chưa triển khai được. Thêm nữa, lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này cũng là vấn đề được các ngân hàng quan tâm. Nếu các NHTM cho vay hỗ trợ lãi suất không làm chặt chẽ, sau này các cơ quan chức năng kiểm tra việc xuất toán ngân hàng sẽ vi phạm quy định.

Ông Bùi Minh Sơn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) Hà Nam cho biết: Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất, nếu như khách hàng vay 1 tỷ đồng tiền vốn, với lãi suất 10 – 11%, nếu hỗ trợ 2% tiền lãi, một năm cũng chỉ được vài triệu đồng, trong khi đó khách hàng vay vốn phải chứng minh đầy đủ điều kiện vay vốn theo nhóm nghề được ưu tiên, hóa đơn mua bán hàng và các điều kiện để thực hiện hưởng lãi suất. Với các điều kiện trên, nhiều khách hàng cho rằng thủ tục vay vốn còn rườm rà, trong khi đó mức hỗ trợ lãi suất lại thấp nên ngại tiếp cận nguồn vốn. Tại Chi nhánh SeABank Hà Nam, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chi nhánh cũng đã triển khai tới khách hàng, song đến thời điểm này chưa được món nào.

Còn đối với khách hàng, đặc biệt khách hàng là doanh nghiệp cho rằng việc hỗ trợ lãi suất 2% cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thủ tục cho vay chặt chẽ, doanh nghiệp khi vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh phải chứng minh được quá trình phục hồi sản xuất, khả năng trả nợ, hóa đơn mua bán hàng hóa, lĩnh vực đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, qua khảo sát và báo cáo của các NHTM, vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất thấp là các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình này phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhiều năm trước. Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại. Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Ngay sau khi Nghị định 31 của Chính phủ có hiệu lực, chi nhánh đã chỉ đạo các NHTM bám sát chỉ đạo của hệ thống tập trung tuyên truyền, hỗ trợ khách hàng vay vốn để hưởng lãi suất theo quy định. Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các NHTM mở rộng tín dụng và linh động hơn nữa trong quá trình làm thủ tục cho khách hàng vay vốn, đặc biệt là việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định tín dụng là một trong những kênh cung ứng vốn trọng yếu hỗ trợ phát triển kinh tế trong thời điểm khó khăn. Triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh sẽ trực tiếp giảm chi phí vốn vay và giảm chi phí đầu vào sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đối với các NHTM, gói cấp bù lãi suất này sẽ giúp các đơn vị mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Thực hiện tốt gói tín dụng hỗ trợ lãi suất không chỉ góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá cả, bảo đảm đời sống cho người dân trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy