Dịch tả lợn châu Phi tái phát, giá lợn hơi xuống thấp, hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh lâm vào cảnh khó khăn, trong đó có nhiều hộ khó có thể trả nợ vốn vay ngân hàng theo đúng kỳ hạn. Trong thời gian này, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đang rà soát các hộ nuôi lợn, xác định từng khoản nợ và có phương án cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện, từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Theo tổng hợp của các NHTM, đến thời điểm này, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 1.944 tỷ đồng, trong đó, cho vay chăn nuôi 1.614 tỷ đồng, cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi hơn 329 tỷ đồng. Nhiều NHTM trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn vốn đầu tư cho nuôi lợn. Điển hình như Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Bình Lục, vào thời gian cao điểm đã dành hàng trăm tỷ đồng cho hàng nghìn hộ nông dân vay nuôi lợn, trong đó hộ nhiều nhất dư nợ hàng tỷ đồng, hộ ít cũng đạt 50 – 100 triệu đồng. Khi giá lợn hơi xuống thấp, cộng với dịch tả châu Phi bùng phát dẫn tới nhiều hộ gia đình gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Minh, người chăn nuôi ở xã Đồng Du (Bình Lục) tính toán: Chưa bao giờ chăn nuôi lợn lại khó khăn như hiện nay. Người chăn nuôi vừa phải đối phó với dịch tả lợn châu Phi, vừa phải đối phó với giá lợn hơi xuống dưới 30 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá nông sản, thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Nếu người chăn nuôi không tính toán cẩn thận, vay vốn ngân hàng nhiều thì khó có thể trả được gốc và lãi theo đúng kỳ hạn. Bởi thực tế khi giá lợn hơi xuống thấp, tính ra chi phí nuôi một con lợn lỗ từ 1 – 1,5 triệu đồng (chưa tính rủi ro do dịch bệnh). Một trang trại có khoảng 300 con thì lỗ gần nửa tỷ đồng trong vòng 3- 4 tháng là chắc chắn. Chúng tôi mong rằng Nhà nước tiếp tục có giải pháp điều hành giá cả thị trường phù hợp, hỗ trợ các hộ chăn nuôi gặp khó khăn để bà con yên tâm duy trì đàn lợn, góp phần sớm phục hồi kinh tế.
Trước tình trạng khó khăn của ngành chăn nuôi, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khảo sát từng khách hàng, nắm rõ từng khoản nợ và xây dựng phương án cơ cấu lại các khoản vay. Đồng thời, các NHTM cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện cho bà con khôi phục đàn lợn, hoặc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác để có điều kiện trả nợ. Chi nhánh Agribank Bình Lục đã vào cuộc hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng chăn nuôi lợn được hỗ trợ và cơ cấu lại thời gian trả nợ vốn vay ngân hàng. Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Agribank Bình Lục cho biết: Khi giá lợn xuống thấp, chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trực tiếp làm việc với các hộ chăn nuôi, nắm bắt toàn bộ số nợ gốc, lãi suất và những khó khăn để có hướng tháo gỡ, chia sẻ cùng bà con. Quan điểm chỉ đạo của chi nhánh là tập trung thu nợ gốc trước, thu lãi sau và cơ cấu lại nợ cho những khách hàng thực sự khó khăn.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, như: thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới để khôi phục sản xuất. Tổng số dư nợ được hỗ trợ (lũy kế từ ngày 20/3/2019 đến 30/9/2021) cho khách hàng có dư nợ bị thiệt hại là 869 tỷ đồng, trong đó cho vay mới 711 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ 158 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã miễn giảm lãi vay 10 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi gặp khó khăn.
Ngoài giải pháp hỗ trợ tín dụng cho người chăn nuôi, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung hướng dẫn cho người chăn nuôi quy trình chăm sóc, pha trộn thức ăn chăn nuôi cho hợp lý để hạ giá thành chi phí chăn nuôi ở mức thấp nhất. Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý giá cả, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm để từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Trần Hữu