Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

Nguồn vốn đầu tư lớn, thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng “rớt” giá đã khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp không ít khó khăn. Trong thời gian này, doanh nghiệp kinh doanh BĐS rất cần có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại trong việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng để duy trì hoạt động.

Là chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở tại thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) có diện tích hơn 3,8 ha, Công ty TNHH Thu Ngân gặp khó khăn khi đúng thời điểm huy động vốn thì thị trường BĐS trầm lắng “rớt” giá. Theo tính toán của doanh nghiệp này, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng lên đến hơn 100 tỷ đồng, trong khi đó doanh nghiệp chưa vay được vốn của ngân hàng đầu tư cho dự án. Bởi thời điểm doanh nghiệp đầu tư vào khu nhà ở, các ngân hàng thương mại thắt chặt nguồn vốn đầu tư cho vay BĐS nên chủ đầu tư dự án đã phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư xây dựng. Đến thời điểm này, hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở cơ bản đã hoàn thành, đủ điều kiện để chuyển nhượng đất, song thị trường BĐS lại “đóng băng, rớt giá”. Nếu như các ngân hàng không tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Thu Ngân cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp còn khoảng hơn 100 lô đất chưa huy động được vốn của nhà đầu tư. Với nguồn vốn đầu tư hạ tầng, nộp tiền thuê đất doanh nghiệp đã phải bỏ ra, nếu chỉ tính lãi một tháng đã mất từ 1 - 2 tỷ đồng, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi kiến nghị, trong thời điểm hiện nay các ngân hàng thương mại cần vào cuộc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp xây dựng đô thị, doanh nghiệp kinh doanh BĐS để các chủ đầu tư bớt khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng như Công ty TNHH Thu Ngân, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp khó khăn khi thị trường BĐS “đóng băng”, trong khi đó các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đã phải huy động vốn bên ngoài với lãi suất cao để thanh khoản và duy trì hoạt động. Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2023, tăng trưởng tín dụng cả năm là 14 - 15% (cao hơn mức 14,17% của năm 2022). NHNN cũng không có “room” riêng kiểm soát tín dụng cho BĐS.

Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Vietinbank Hà Nam.

Đối với đề xuất của ngành xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN nhận thấy việc có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường BĐS. NHNN cũng đã họp với các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng này đã thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này với lãi suất cho vay (cho cả người xây dựng và người mua nhà) thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, trong thời điểm hiện nay các ngân hàng thương mại cần: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính cho phát triển nhà ở và thị trường BĐS; điều hành hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp BĐS khó khăn (doanh nghiệp, dự án BĐS phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Có như vậy, mới tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường BĐS, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam, với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến thời điểm này khoảng gần 65 nghìn tỷ đồng. Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam cũng đã nắm bắt những thông tin từ phía các doanh nghiệp kinh doanh BĐS để tham mưu với cấp trên có giải pháp phù hợp. Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng hạn chế cho vay lĩnh vực BĐS, chủ yếu giải ngân cho vay tiêu dùng, sửa chữa nhà ở, mua nhà để ở. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, chi nhánh cũng đã bám sát những quy định của Chính phủ, của NHNN Việt Nam, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nắm bắt những thông tin từ phía khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh BĐS để triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn theo đúng quy định của hệ thống và các quy định của NHNN. 

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy