Từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) trong tỉnh đang triển khai việc cho vay vốn ưu đãi để sửa chữa, xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn của NHCSXH cho thấy có những bất cập cần được tháo gỡ.
Theo kế hoạch, năm 2018, nguồn vốn ủy thác của Trung ương cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh giải ngân phục vụ các đối tượng vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở trên địa bàn là 54 tỷ đồng.
Hiện, toàn tỉnh đang tập trung giải ngân 10 tỷ đồng. Mỗi huyện, thành phố được phân bổ 1,5 tỷ đồng, riêng nguồn vốn của huyện Lý Nhân là 2,5 tỷ đồng để cho các đối tượng vay theo quy định.
Ưu điểm của chương trình tín dụng ưu đãi chính là việc mở rộng đối tượng cho vay đến người có công với cách mạng; người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức.
Trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng; đối với trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở mức vốn được vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm, tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lý Nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của chương trình tín dụng ưu đãi, trong quá trình thực hiện các quy trình nghiệp vụ cho vay đã bộc lộ một số tồn tại. Trước hết, người vay vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về việc cam kết gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại hệ thống NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hằng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hằng tháng của người vay vốn.
Việc mở rộng đối tượng tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ có vốn vay mua, sửa chữa nhà để ở nhưng đối với một số trường hợp tuổi cao, nguồn thu nhập không ổn định và thời hạn vay kéo dài... đó là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ khó thanh toán của người vay sau khi đến kỳ trả nợ.
Cùng với đó, một số vấn đề về thủ tục hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, trong đó người vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.
Đặc biệt, đối tượng vay vốn khi xây mới hoặc sửa chữa phải có hóa đơn đầu vào của đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng. Trong khi đó, ở địa bàn nông thôn kể cả các cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng và người dân đều không quan tâm đến các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Thụy, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách ưu đãi đến đông đảo người dân, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tập hợp những vấn đề tồn tại để báo cáo với cấp trên có biện pháp tháo gỡ.
Trước mắt, chi nhánh sẽ triển khai mô hình điểm cho vay và giải ngân trực tiếp tại một số hộ với sự tham gia của cán bộ tín dụng, đại diện lãnh đạo UBND các xã, hội, đoàn thể, tổ TTK&VV ở cơ sở. Từ đó, rút kinh nghiệm ở từng khâu, mỗi quy trình để tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho vay sửa chữa, xây nhà ở xã hội cho các đối tượng trên địa bàn.
Anh Thắng
Đức Thống