kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nhiều khách hàng vẫn đang chờ “room” tín dụng nới rộng

Nhiều khách hàng vẫn đang chờ “room” tín dụng nới rộng

Theo ước tính, mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh trong gần 10 tháng qua ước tăng hơn 10% so với đầu năm. Đây cũng là mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vay vốn của nhiều khách hàng trong tỉnh là rất lớn, song các ngân hàng thương mại (NHTM) lại giới hạn “room” tín dụng đã ảnh hưởng đến quá trình giải ngân.

Làm thủ tục vay vốn cách đây khoảng 2 tháng để mua xe vận tải hàng hóa, anh Nguyễn Văn Sơn, xã Thanh Hải (Thanh Liêm) vẫn đang phải chờ vốn do ngân hàng đã hết “room” tín dụng. Anh Sơn chia sẻ: Hồ sơ vay vốn của tôi đã hoàn tất từ khâu ký hợp đồng, làm thủ tục bảo đảm tài sản thế chấp; chọn phương tiện và đại lý cung cấp phương tiện. Bây giờ chỉ đợi có vốn là ngân hàng sẽ giải ngân. Về phía ngân hàng rất ủng hộ, cán bộ tín dụng nói khi có “room” tín dụng hoặc một khách hàng nào đó trả vào họ sẽ ưu tiên giải ngân vốn cho những khách hàng đã làm đầy đủ hồ sơ. Bây giờ chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi có vốn để đầu tư mua phương tiện kinh doanh.

Nhiều khách hàng vẫn đang chờ “room” tín dụng nới rộng
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Duy Tiên. Ảnh: Hòa Hậu

Cũng như anh Sơn, hiện nay nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, song gặp phải khó khăn khi “room” tín dụng đã hết. Theo ước tính, đến hết tháng 9/2022, dư nợ tín dụng  trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 63.800 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 10% so với đầu năm. Trong tổng mức tăng trưởng trên, nhiều NHTM trên địa bàn tỉnh đã đạt mức tăng trưởng vốn cho cả năm và đang chờ “room” tín dụng của hệ thống nới rộng. Khi “room” tín dụng đã hết, nhiều ngân hàng vẫn làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng và chờ cấp trên nới “room” tín dụng hoặc chờ khách hàng đến kỳ trả nợ cho ngân hàng sẽ giải ngân cho khách hàng mới vay.

Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam cho biết: Trong thời điểm hiện nay, chi nhánh bám sát chỉ đạo của cấp trên, khi được phân bổ tín dụng, hoặc khách hàng trả nợ vào ngân hàng sẽ kịp thời giải ngân vốn cho những khách hàng đã làm hồ sơ vay vốn. Quan điểm của Chi nhánh Agribank Hà Nam, ưu tiên giải ngân vốn cho những khách hàng thuộc nhóm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhóm sản xuất những mặt hàng thiết yếu; không đầu tư vốn cho vay bất động sản. Ngoài ra, ngân hàng còn hỗ trợ giải ngân vốn cho khách hàng vay phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, khách hàng gặp khó khăn trong chăn nuôi, cho vay kinh tế hộ, cho vay tiêu dùng... nhằm kích thích sản xuất trong nước phát triển.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro, cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Căn cứ vào đó, “room” tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Nhiều NHTM trên địa bàn tỉnh cho biết: Ngay sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước cho phép nới “room” tín dụng, những khách hàng đã được duyệt hồ sơ vay vốn từ trước nhưng chưa được giải ngân đã quan tâm nhiều đến vấn đề này và đề nghị các ngân hàng giải ngân.

Trong thời điểm hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng của khách hàng, khi có “room” tín dụng sẽ nhanh chóng giải ngân vốn cho khách hàng vay theo quy định. Đồng thời, các NHTM cũng triển khai hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp để kịp thời giải thích, hướng dẫn khách hàng vay vốn. Các NHTM chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất, phí cho vay và nhanh chóng cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm nguồn vốn giải ngân cho khách hàng nhanh chóng, đúng quy định. Trong quá trình giải ngân vốn, các NHTM thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; phân loại nợ và trích lập đầy đủ dự phòng theo quy định; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh; thường xuyên rà soát lại từng khoản vay của doanh nghiệp, cân đối lại vốn, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. 

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy