Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình gặp khó khăn, từ đó đã làm tăng áp lực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Song với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về giảm một số khoản thuế, giảm giá điện, nước sinh hoạt và gia hạn lãi suất, mở rộng đầu tư tín dụng giúp người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất… đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp từng bước vượt khó trong sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh được giao nhiệm vụ trực tiếp làm thủ tục cho doanh nghiệp vay vốn. Theo đó, mức cho vay đối với khách hàng vay vốn một hoặc nhiều lần thời gian tối đa 3 tháng/người lao động. Việc xác định mức cho vay tối đa 1 tháng đối với 1 khách hàng bằng mức lương tối thiểu vùng nhân với số lao động bị ngừng việc hoặc số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động được cơ quan BHXH xác nhận. Lãi suất cho vay 0%/năm và lãi suất nợ quá hạn 12%/năm.
Để chính sách cho vay vốn bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch theo đúng mục tiêu và nguyên tắc, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp, người sử dụng lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, rà soát và nắm chắc danh sách đối tượng có nhu cầu vay. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu rõ về chính sách ưu đãi được thụ hưởng, từ đó chủ động hoàn thiện thủ tục vay vốn. Bên cạnh đó, thông báo cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng biết về việc cho vay và trả lương phục hồi sản xuất. Những trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn thì lập hồ sơ và gửi về NHCSXH Chi nhánh tỉnh để xem xét cho vay kịp thời.
Chia sẻ một phần khó khăn với lực lượng y bác sỹ, nhân viên y tế, mới đây Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai Chương trình hỗ trợ dành cho cán bộ y tế đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế với tên gọi “Đồng hành cùng ngành y, chung tay vượt đại dịch”. Chương trình phục vụ cán bộ công tác tại bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh với nhiều ưu đãi hấp dẫn, được triển khai đến ngày 31/12/2022. Chương trình cho vay không tài sản bảo đảm và áp dụng trong thời gian 24 tháng với 2 gói cho vay. Trong đó, mỗi cán bộ y tế được vay đến 50 triệu đồng, lãi suất cố định 1%/năm và gói cho vay nhu cầu nhà ở lãi suất cố định 5,5%/năm.
Bà Dương Thị Lan, Phó Giám đốc phụ trách BIDV Hà Nam nhận xét: Chương trình có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, giúp cán bộ, y bác sỹ tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, từ đó tạo động lực quan trọng giúp họ yên tâm công tác, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Do đó, chi nhánh đã tích cực phối hợp với các bệnh viện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho các đối tượng thụ hưởng chính sách để mọi người khẩn trương hoàn thiện thủ tục vay bảo đảm theo quy định. Bởi thực tế, nguồn vốn hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi của chương trình có hạn, nhu cầu tăng lớn có nhiều cán bộ y, bác sỹ trên địa bàn còn khó khăn, đặc biệt giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã tích cực áp dụng biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn, giảm lãi suất. Từ đầu năm 2020 đến hết tháng 7/2021, các TCTD đã hỗ trợ 11.032 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ hơn 29,5 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ gần 10,5 tỷ đồng, cụ thể, dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 1,5 tỷ đồng, với 378 khách hàng và dư nợ miễn, giảm lãi suất là hơn 8,9 tỷ đồng, với 2.362 khách hàng.
Cùng với các chính sách, giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn ngân hàng để khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, từ đầu năm 2020 đến nay Chính phủ đã thực hiện các đợt hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện. Theo báo cáo của Công ty Điện lực tỉnh, qua 3 đợt tổng số tiền điện toàn tỉnh đã giảm là 173,77 tỷ đồng, trong đó đợt 1 là 146,78 tỷ đồng; đợt 2 là 21,64 tỷ đồng và đợt 3 là 5,35 tỷ đồng. Tại các cơ sở y tế, doanh trại quân đội, nhà trường là cơ sở cách ly y tế tập trung cho các đối tượng bị lây nhiễm dịch Covid – 19 có thu một phần chi phí cũng được hỗ trợ tiền điện. Ông Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho biết: Vào thời điểm công dân cách ly ở khu tập trung tại nhà trường, lượng điện, nước tiêu thụ rất lớn và sản lượng tăng khoảng 30% so với trước đó. Nếu sử dụng một phần thu của người dân để thanh toán tiền điện, nước thì không bù đắp các khoản chi trả, song được Nhà nước hỗ trợ đã giúp nhà trường giảm khó khăn về tài chính.
Theo phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giá điện (đợt 4) cho khách hàng sử dụng điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Chính phủ đã quy định mức hỗ trợ 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn cho khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng; giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn với khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 8 và tháng 9/2021. Theo ước tính của Công ty Điện lực tỉnh, số tiền hỗ trợ giá điện của danh sách đối tượng được miễn giảm đợt này ở tỉnh ta khoảng 70 triệu đồng.
Các chương trình hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Chính phủ từ việc giảm giá tiền điện, nước, cho vay ưu đãi các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã và đang là nguồn động lực quan trọng giúp các tổ chức, cá nhân, người nghèo, gia đình chính sách vượt qua khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.
Phùng Thống