Mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy

Cơ giới hóa đồng ruộng là giải pháp quan trọng nhằm giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí vật tư nông nghiệp... Cùng với khâu làm đất, thu hoạch đã được cơ giới hóa gần như toàn bộ, hiện khâu gieo cấy lúa tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang được đẩy mạnh áp dụng phương pháp gieo mạ khay để đưa máy cấy vào đồng ruộng.

Vụ xuân 2022, lần đầu tiên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Liêm Phong (huyện Thanh Liêm) đưa mô hình mạ khay, máy cấy vào đồng ruộng, trên diện tích 30 ha. Đánh giá sau khi thu hoạch, năng suất lúa cấy máy cao hơn cấy thường (cấy bằng tay truyền thống hoặc gieo sạ) khoảng 20%, chất lượng lúa được nâng lên, chi phí vật tư nông nghiệp và công lao động giảm, hạn chế được lượng thuốc bảo vệ thực vật; đặc biệt, khắc phục được tình trạng lúa cỏ gây ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả gieo trồng... Từ hiệu quả thiết thực của mô hình, nhiều nông dân trong xã đã chuyển từ gieo sạ sang cấy lúa bằng máy trong vụ mùa 2022.

Mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy
Cấy lúa bằng máy ở xã Thanh Tân, Thanh Liêm.

Được biết, vụ mùa 2022, HTXDVNN Liêm Phong gieo cấy 324,8ha, trong đó diện tích cấy bằng máy được mở rộng lên 95ha. Đặc biệt, trên diện tích khoảng 3ha bị nhiễm lúa cỏ trong vụ xuân, vụ mùa 2022 đã được chuyển sang cấy bằng máy hoàn toàn. Đến thời điểm này, Liêm Phong đã thành lập được 2 tổ dịch vụ mạ khay, máy cấy đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi phương thức gieo cấy của người dân trong xã, đồng thời ký kết làm dịch vụ cho các địa phương khác.

Ông Nguyễn Văn Lung, Giám đốc HTXDVNN Liêm Phong cho biết: Ngay vụ đầu tiên đưa vào đồng ruộng, mô hình mạ khay, máy cấy đã khẳng định được hiệu quả thiết thực. Với giá thành 290.000 đồng/sào (gồm cả mạ), nếu so với cấy thủ công chi phí cấy bằng máy giảm hơn rất nhiều, bởi mức giá thuê cấy thủ công từ 300 – 350 nghìn/ngày, chưa tính thóc giống. Ngoài ra, cấy lúa bằng máy còn khắc phục gần như triệt để tình trạng lúa cỏ đang có chiều hướng lan nhanh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa trên một số diện tích gieo sạ. 

Với diện tích đất nông nghiệp 228 ha, từ năm 2006 HTXDVNN Bắc Sơn, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm) đã áp dụng phương pháp gieo sạ trên đồng ruộng. Tuy nhiên, những vụ gần đây, do nhiều diện tích bị nhiễm lúa cỏ bà con nông dân vất vả gieo trồng, chăm sóc mà không có thu hoạch; có hộ phải cắt bỏ để tránh lây lan nguồn cho những vụ sau. Trước thực trạng trên, vụ mùa 2021 HTXDVNN Bắc Sơn đã tổ chức cấy bằng máy ở những diện tích lúa cỏ xuất hiện sớm. Kết quả, diện tích cấy lúa bằng máy cơ bản kiểm soát được lúa cỏ, cho năng suất cao hơn hẳn lúa gieo sạ. Vụ xuân 2022, HTXDVNN Bắc Sơn được Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn là đơn vị tham gia trình diễn mô hình mạ khay máy cấy trên diện tích 25ha. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã về phối hợp cùng HTX tổ chức tập huấn quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây lúa cho 120 hộ tham gia mô hình và tất cả các hộ có diện tích cấy lúa bằng máy.

Đánh giá kết quả vụ xuân, phương pháp cấy bằng máy giúp giảm lượng thóc giống; lúa lên nhanh, đẻ nhánh khỏe; hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, thuốc bảo vệ thực vật; đạt năng suất từ 63-65 tạ/sào, cao hơn so với các phương pháp gieo cấy khác gần 20%. Nhận thấy rõ những lợi ích thiết thực từ việc đưa máy cấy vào đồng ruộng, vụ mùa 2022 HTXDVNN Bắc Sơn mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy lên 120 ha, chiếm 52% tổng diện tích gieo cấy của HTX. 

Là năm thứ 2 thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2020 -2023”, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn 4 mô hình tổ dịch vụ mạ khay máy cấy, gồm: HTXDVNN Tượng Lĩnh và Tân Sơn (Kim Bảng), HTXDVNN Liêm Phong và Nam Tân, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) và 6 mô hình tham gia trình diễn cấy máy để tham gia Đề án. Với mô hình trình diễn cấy lúa bằng máy phải bảo đảm yêu cầu: Gọn vùng, tập trung (diện tích 25ha/mô hình), thuận tiện giao thông, thuận lợi cho việc theo dõi, mở hội nghị hội thảo và tham quan đầu bờ. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% tiền thóc giống, phân bón các loại (tương đương 145.000đồng/sào). Các tổ dịch vụ được hỗ trợ 50% tiền mua máy gieo hạt và khay gieo mạ…

Đánh giá từ thực tiễn sản xuất vụ xuân: Những diện tích cấy bằng máy lúa lên nhanh, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh và cỏ dại, do đó hạn chế được lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân trực tiếp sản xuất. Lúa cấy bằng máy cho năng suất cao hơn so với các phương pháp gieo cấy khác gần 20%, giá trị kinh tế tương đương từ 7,36-10,515 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, cấy lúa bằng máy còn là giải pháp hiệu quả khắc phục được tình trạng lúa cỏ gây hại trên diện tích lúa gieo thẳng.

Đặc biệt, cấy bằng máy giúp giải phóng sức lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn về chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác ở nông thôn. Ngoài ra, trong quá trình cấy lúa bằng máy, nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào đồng ruộng. Đưa máy cấy vào sản xuất còn góp phần thực hiện đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế; hình thành các chuỗi liên kết, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất của các tổ dịch vụ…

Theo ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngay từ khi triển khai, Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, máy cấy” được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm và tập trung chỉ đạo. Các bước tiến hành khảo sát, chọn điểm, quy hoạch vùng sản xuất, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân… được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm đúng, đủ các yêu cầu đặt ra. Trong suốt quá trình thực hiện đề án, cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các địa phương chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Để giúp nông dân yên tâm sản xuất, Trung tâm Khuyến nông làm tốt nhiệm vụ kết nối các tổ dịch vụ mạ khay, máy cấy trong và ngoài tỉnh với các địa phương có nhu cầu bảo đảm đúng tiến độ sản xuất…

Kết quả: Năm 2021, diện tích cấy lúa bằng máy trên địa bàn tỉnh đạt 1.250ha, vụ mùa 754,9ha. Vụ xuân năm 2022 vừa qua, diện tích cấy bằng máy toàn tỉnh đạt 1.593,4 ha; trong đó Duy Tiên 120ha, Kim Bảng 406,4ha, Lý Nhân 160ha, Bình Lục 500ha, Thanh Liêm 407ha. Dự kiến, kết thúc gieo cấy, diện tích lúa cấy bằng máy vụ mùa đạt khoảng 2.600ha, gấp khoảng 3 lần diện tích cấy bằng máy vụ mùa 2021. 

Để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy trên đồng ruộng, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân chủ động đăng ký tham gia cấy máy. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng để hình thành những vùng sản xuất lớn, tập trung. Đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất trong từng thời điểm cụ thể, các tổ dịch vụ gieo cấy cần chủ động thực hiện liên kết trong và ngoài tỉnh. 

Về cơ chế, ngày 20/4/2022 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND về “Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam”. Trong đó, quy định mức hỗ trợ phát triển diện tích cấy lúa bằng máy là: Hỗ trợ một lần 30% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích cấy lúa bằng máy (với điều kiện diện tích cấy tập trung bảo đảm tối thiểu từ 5ha trở lên). Đây chính là một trong những động lực khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy trên địa bàn tỉnh, hướng tới thực hiện mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ cơ giới hóa trong gieo trồng đạt 60% đã được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy