Hơn một tháng qua, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại khối ngân hàng có vốn Nhà nước tăng bình quân 2 - 2,5% so với đầu năm 2022, còn tại nhóm tư nhân tăng từ 2,5-3,5%. Một số ngân hàng tư nhân dù "room" tín dụng đã cạn vẫn chạy đua nâng lãi suất huy động lên 8-9% một năm và đưa ra nhiều chính sách để thu hút tiền gửi. Việc điều chỉnh lãi suất huy động tăng đang góp phần tạo sức ép điều chỉnh lãi suất cho vay.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 3 tháng lên 6% một năm, riêng kỳ hạn 12 tháng có nơi lên 9,15% khi gửi online. Qua khảo sát của các ngành chức năng cho thấy, có 18 trong số 35 NHTM tăng mạnh lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 6% một năm, trong khi đó lãi tiết kiệm 6 tháng của nhóm bốn ngân hàng có vốn Nhà nước hiện dao động ở mức 4,7 - 4,8% một năm. Tương tự, các kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng cũng được các NHTM liên tiếp cộng thêm lãi suất với biên độ 0,2-1% một năm. Hiện lãi suất huy động bình quân 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt là: 6,6%, 6,7% và 7,9% một năm tại quầy giao dịch. Với tốc độ tăng tương tự, mức bình quân lãi suất của kênh online 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt là: 7,1%, 7,2% và 8,5 – 9% một năm. Một số ngân hàng cổ phần dù "room" tín dụng đã cạn vẫn chạy đua nâng lãi suất huy động lên 8-9% một năm.
Theo lý giải của nhiều NHTM, việc điều chỉnh lãi suất huy động là phù hợp với xu hướng chung, khi mà giá vàng, giá đô la Mỹ tăng cao. Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động còn chủ động nguồn cho vay, ngay trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước nới ‘’room’’ tín dụng vào cuối năm. Còn theo các chuyên gia trong ngành ngân hàng phân tích, về mặt cung cầu, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến cho nhu cầu về tín dụng quay lại tăng cao. Mặt khác, ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, kinh tế toàn cầu bị suy thoái đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, dẫn đến thu nhập và tích lũy của người dân không còn ở mức như trước. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải đưa ra một mức lãi suất hấp dẫn hơn, đủ để người dân trì hoãn chi tiêu ở hiện tại và tiết kiệm cho tương lai.
Bà Phạm Thị Nguyệt Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank), Chi nhánh Hà Nam phân tích: Khi kinh tế phục hồi sau đại dịch thì nhu cầu sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế của các doanh nghiệp và người dân là rất lớn. Hơn nữa người dân có tiền có thể lựa chọn nhiều kênh để đầu tư nhằm sinh lời vốn, trong đó có gửi tiết kiệm ngân hàng. Vì thế lãi suất huy động của ngân hàng không tăng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình huy động tiền gửi tiết kiệm. Tại Chi nhánh Vietinbank Hà Nam đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên là 8% năm.
Cũng giống như Chi nhánh Vietinbank Hà Nam, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm, trong đó tập trung vào kỳ hạn gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên. Khi lãi suất huy động tiết kiệm tăng, lãi suất tiền gửi cũng tăng theo. Trong thời điểm hiện nay, người dân vẫn chọn ngân hàng là một trong những kênh đầu tư chính để gia tăng nguồn vốn tiết kiệm, khi mà thị trường bất động sản đang đóng băng và “rớt giá’’.
Trong hai tháng cuối năm, “room” tín dụng chưa được nới rộng, lãi suất huy động tiết kiệm tăng cao thì việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Khách hàng không chỉ chịu sức ép về lãi suất tăng từ 1-3% so với đầu năm, mà còn gặp khó khăn khi “room’’ tín dụng của các NHTM đã hết.
Trần Hữu