Hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn vay nước ngoài

Chiều 7/12, tại thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài. Dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tại điểm cầu Hà Nam, tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho Bạc Nhà nước, UBND thành phố Phủ Lý và các Ban Quản lý dự án.

Hội nghị trực tuyến về  giải ngân vốn  vốn vay nước ngoài
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam.

Trong thời gian qua, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc  giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhất là tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch giao năm 2020. Nhờ đó tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài đã có sự cải thiện qua các tháng gần đây, tăng từ mức 20,79% trong tháng 8 lên mức 28,73% trong tháng 9 và ước đến hết tháng 11 được hơn 20.586 tỷ đồng, đạt hơn 39% kế hoạch. Kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công; sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành và địa phương việc giải ngân vốn vay nước ngoài theo kế hoạch năm 2020 vẫn còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch đề ra do: Ảnh hưởng của dịch Covid – 19, các chuyên gia nước ngoài không sang được Việt Nam nên tiến độ đầu tư và thủ tục giải ngân vốn cho các công trình bị chậm lại; một số cơ chế chính sách mới cũng đã được ban hành với nhiều nội dung thay đổi, nên quá trình thực hiện các Bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án chưa thể cập nhật kịp; nhiều dự án điều chỉnh lại chủ trương đầu tư kể cả tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, ký kết hợp đồng dẫn tới chậm về khối lượng cũng như tiến độ. Cùng với đó là vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc các chủ trương chính sách mới, buộc các dự án phải có những điều chỉnh, thay đổi như thay đổi thiết kế dự án, tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư,... làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Một nguyên nhân khác là công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu do chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn tới phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh lại vốn đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Trong tháng cuối năm, khối lượng công việc còn hết sức nặng nề, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án và thực hiện các thủ tục giải ngân. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2020 và một số năm tiếp theo. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, nếu giải ngân tốt sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2020.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy