Ngày 23/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 05/2022/QĐ-TTg (Quyết định 05) sửa đổi, bổ sung một số điều về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Theo đó, mức cho vay tối đa được điều chỉnh từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều hộ gia đình, tạo điều kiện cho các em duy trì việc học tập, hướng tới có cuộc sống khá hơn.
Từ nhiều năm qua, gia đình ông Trần Hữu Nam, xóm 5, xã Hòa Hậu (Lý Nhân) đã sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay ưu đãi để đầu tư cho các con học tập. Ông Nam tâm sự: Vợ chồng tôi có 3 con, con lớn học Đại học Kinh tế Quốc dân, con thứ hai học Học viện Ngân hàng và con thứ 3 học THPT chuẩn bị vào đại học. Hai vợ chồng làm nông nghiệp phải nuôi 3 con ăn học nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có vốn của NHCSXH cho HSSV vay, tôi đã làm thủ tục vay vốn cho các con học tập. Con lớn hiện nay đã ra trường, có việc làm ổn định, góp thêm kinh tế giúp đỡ bố mẹ. Con thứ 2 đang học cũng phải sử dụng vốn của ngân hàng. Tôi thấy việc ngân hàng điều chỉnh cho vay tối đa 4 triệu đồng/HSSV/tháng là phù hợp, bởi thực tế hiện nay giá cả các mặt hàng đều tăng, học phí tăng, chi phí ăn học của HSSV tốn kém.
Cũng như ông Nam, rất nhiều hộ dân phấn khởi khi Chính phủ điều chỉnh mức vay vốn từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/HSSV/tháng. Cụ thể, ngày 23/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 05 sửa đổi, bổ sung (lần thứ 8) một số Điều của Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, mức vốn cho vay tối đa được điều chỉnh từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV. So với mức vốn cho vay năm 2007 là 800 nghìn đồng/tháng/HSSV, sau 15 năm mức vốn cho vay đã tăng được 3,2 triệu đồng/tháng/HSSV. Từ năm 2019 đến nay, mức vốn cho vay được điều chỉnh tăng luôn lớn hơn 60%. Năm 2019 tăng khoảng 66,6% so với 2017 và năm 2022 tăng 60% so với 2019. Theo tính toán của ngành giáo dục, mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập. Mức chi phí học tập bình quân của một HSSV khoảng 6,5 đến 9,5 triệu đồng/tháng.
Về trả nợ gốc và lãi vay lần đầu tiên, quy định mới không xét đến tình trạng việc làm của HSSV, cứ sau 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học, người vay vốn (đại diện hộ gia đình của HSSV) có nghĩa vụ phải trả nợ gốc, lãi lần đầu tiên cho NHCSXH. Đối tượng vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không phải chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
Tại Hà Nam, đã có hơn 57 nghìn lượt HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập, mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Tỷ lệ thu hồi vốn đạt 99,98%. Đến thời điểm này, đang có 2.110 HSSV vay vốn với dư nợ 84 tỷ 539 triệu đồng (dư nợ bình quân hơn 40 triệu đồng/HSSV). Thông qua nguồn vốn trên, nhiều HSSV đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình và trả nợ ngân hàng theo quy định.
Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam cho biết: Sau một năm triển khai Quyết định 05 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH, Chi nhánh tỉnh Hà Nam đã tập trung phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền tới các thôn xóm để người dân biết và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Quá trình vay vốn, các hộ trả nợ đúng hạn góp phần tăng vốn của quỹ tín dụng cho vay HSSV, bảo đảm cùng một đồng vốn nhưng giải quyết cho nhiều thế hệ HSSV thụ hưởng. Nhờ đó nhiều HSSV được vay vốn học tập, sau khi ra trường đã có việc làm ổn định, trả nợ tiền gốc đầy đủ cho ngân hàng và có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Trong thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam tiếp tục tuyên truyền vận động người dân nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư cho HSSV vay để trang trải cuộc sống và duy trì việc học tập.
Trần Hữu