Tăng hệ số rủi ro, hạn chế nguồn tín dụng đầu tư, đó là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc cấp tín dụng cho kinh doanh bất động sản (BĐS). Cách làm này đã từng bước giúp thị trường BĐS “hạ nhiệt’’ và nâng cao được hiệu quả trong việc giải ngân vốn tín dụng.
Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục siết lại hoạt động cho vay BĐS bằng việc giảm dần tỉ lệ tối đa của nguồn vốn cho vay ngắn hạn và tăng tỷ lệ cho vay trung, dài hạn; đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh BĐS. Căn cứ vào đó, các NHTM trong tỉnh đã hạn chế việc cấp tín dụng đầu tư kinh doanh BĐS, hướng tới mở rộng nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh thương mại và cho vay tiêu dùng. Nhiều NHTM trong tỉnh nhận định: Mặc dù thị trường BĐS trong thời gian qua sôi động, giá tăng nhanh, song thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và của hệ thống, các NHTM rất thận trọng đầu tư vốn vào lĩnh vực này.
Ông Trần Hồng Việt, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Kim Bảng cho biết: Đến thời điểm này, dư nợ của chi nhánh đạt hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ yếu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh thương mại và kinh tế hộ. Quan điểm của chi nhánh là ưu tiên đầu tư nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ thương mại, còn việc đầu tư tín dụng BĐS hầu như không có. Đơn vị chỉ mở rộng cho vay dịch vụ tiêu dùng, cho cán bộ công nhân viên vay vốn mua đất xây nhà ở, mua phương tiện đi lại. Trong việc đánh giá tài sản bảo đảm, đối với cho vay mua nhà, xây dựng nhà ở, ngân hàng cũng thận trọng, căn cứ vào mức giá quy định của UBND tỉnh và giá trị trường, để đưa ra mức giá phù hợp nhất nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro khi giải ngân vốn.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Duy Vinh, Giám đốc Chi nhánh NHTM cổ phần Công thương (Vietinbank) Hà Nam cho hay: Đến hết tháng 5/2021, ước dư nợ của chi nhánh đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hơn 85% nguồn vốn tín dụng đầu tư cho các doanh nghiệp vay, còn lại 15% chủ yếu cho cá nhân vay phát triển sản xuât, kinh doanh thương mại, tỷ lệ cho vay BĐS rất ít. Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo của hệ thống, chi nhánh sẽ tăng tỷ lệ an toàn tín dụng, tăng đánh giá rủi ro khoản vay và thế chấp BĐS. Chi nhánh đầu tư mạnh nguồn vốn cho vay sản xuất xi măng, kinh doanh dịch vụ thương mại, hạn chế cho vay đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Nếu có, đơn vị cũng chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có nhóm ngành kinh doanh BĐS, xây dựng đô thị, song nguồn vốn đầu tư vào BĐS cũng rất hạn chế, chỉ ưu tiên cho vay nhóm ngành sản xuất.
Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư, ngày 15/11/2019 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh BĐS. Khi hệ số rủi ro tăng lên, đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải phân bổ vốn tự có cho các khoản vay đó nhiều hơn, trong khi đó các ngân hàng vẫn phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tất yếu là phần vốn cho vay ở lĩnh vực khác sẽ bị giảm đi. Căn cứ vào quy định trên, các ngân hàng sẽ thận trọng và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay vào mục đích kinh doanh BĐS, giúp thị trường BĐS hoạt động lành mạnh, ổn định hơn. Quy định của Ngân hàng Nhà nước còn giúp thanh lọc những chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, chỉ dựa vào vốn ngân hàng, gây nhiều rủi ro.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã hạn chế cho vay đầu tư lĩnh vực BĐS. Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nà nước tỉnh Hà Nam, ước đến 31/5/2021, dư nợ tín dụng các NHTM trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 52.300 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế hộ và cho vay tiêu dùng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS để kịp thời xử lý những vi phạm theo đúng quy định. Với cách làm này sẽ góp phần “hạ nhiệt’’ được thị trường BĐS và nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.
Trần Hữu