Trong 4 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh lãi suất cho vay giảm, song tăng trưởng tín dụng trong toàn tỉnh vẫn chậm. Nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cầm chừng, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đó sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm nên nhiều khách hàng chưa dám vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, các NHTM trên địa bàn tiếp tục mở rộng nguồn vốn cho khách hàng vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi kinh tế.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, ước đến hết tháng 4/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng hơn 63 nghìn tỷ đồng, giảm gần 2% so với đầu năm. Trong tổng dư nợ trên, nguồn vốn đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 27.418 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu năm, với 103.221 khách hàng còn dư nợ; nguồn vốn cho vay doanh nghiệp 33.869 tỷ đồng, giảm 10,39% so với đầu năm, còn lại nguồn vốn cho vay các lĩnh vực khác. Nếu so với cùng kỳ nhiều năm trước, mặt bằng lãi suất cho vay 4 tháng đầu năm nay có phần tăng hơn do các NHTM huy động vốn đầu vào tăng cao, song dư nợ cho vay lại có xu hướng giảm.
Nguyên nhân, tín dụng tăng trưởng chậm là do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế trong nước. Đối với khách hàng là doanh nghiệp trong thời gian này hạn chế mở rộng sản xuất, kinh doanh, thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn thu gọn sản xuất nên việc sử dụng vốn ngân hàng cũng giảm. Đối với khách hàng là nông dân, hộ tiểu thương cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chăn nuôi và sức tiêu thụ hàng hóa của người dân giảm mạnh.
Ông An Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiếu ở xã Nguyên Lý (Lý Nhân) cho biết: Trước đây doanh nghiệp cũng thường xuyên sử dụng vốn vay của ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh gạch nung và vật liệu xây dựng. Thời gian cao điểm công ty vay hàng chục tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đầu năm 2023 khi kinh tế bắt đầu suy giảm, sản phẩm gạch sản xuất ra tiêu thụ chậm, trong khi đó các NHTM lại điều chỉnh lãi suất tăng cao. Nếu tính đầu tư vốn vay để sản xuất, kinh doanh hiện nay hiệu quả không cao, doanh nghiệp đã thu vốn về trả ngân hàng với hy vọng trong thời gian tới kinh tế phục hồi, nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao, sẽ tiếp tục vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cũng giống như Công ty TNHH Minh Hiếu, đầu năm 2023 nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã thu gọn sản xuất và hạn chế sử dụng vốn vay của ngân hàng. Còn theo lý giải của các NHTM, đến đầu quý II, mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với nhiều năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đối với nhiều doanh nghiệp là khách hàng thân thiết có uy tín với các ngân hàng nhiều năm qua vẫn sử dụng số vốn lớn, song đến năm nay họ lại đầu tư cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp còn thu gọn sản xuất. Nhóm khách hàng là hộ kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp, khách hàng ở nông thôn trong thời gian này cũng tính toán rất cẩn thận khi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hầu hết khách hàng đều lo lắng khi giá nông sản xuống thấp, trong khi đó đầu vào của sản xuất vẫn cao, nếu phải gánh thêm cả lãi suất ngân hàng nữa thì sản xuất, chăn nuôi sẽ thua lỗ nên bà con mới dừng lại ở đăng ký vay vốn.
Trong thời điểm hiện nay, nhiều NHTM mời chào các doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn vay vốn, song việc sử dụng nguồn vốn tín dụng của khách hàng cũng hạn chế. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đang rất cần vay vốn nhưng các chi nhánh lại không dám giải ngân do không có tài sản bảo đảm, không có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hoặc phương án sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cũng theo phân tích của các NHTM, trong 4 tháng đầu năm, nhu cầu vay vốn của khách hàng trong thời gian này rất hạn chế, kể cả những hộ kinh doanh dịch vụ, đầu tư trang trại chăn nuôi với quy mô lớn do giá lợn xuống thấp. Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại trong năm nay cũng “hấp thụ” vốn chậm hơn so với những năm trước. Trong giai đoạn này, nhiều NHTM cũng đang rất thận trọng trong việc giải ngân vốn cho các doanh nghiệp vay nhằm hạn chế tối đa nợ xấu để bảo đảm duy trì tăng trưởng tín dụng và hiệu quả hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Như những năm trước, trong đầu quý II sẽ là thời gian tăng trưởng tín dụng cao, song năm nay nguồn vốn tín dụng lại giảm. Qua đó cho thấy, việc “hấp thụ’’ vốn của khách hàng đã có thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh, suy giảm kinh tế. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam chỉ đạo các NHTM tập trung cải cách hành chính, hạn chế các thủ tục đối với khách hàng khi vay vốn; thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng, cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ lãi suất theo quy định cho khách hàng, nhất là đối với doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của khách hàng, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Trần Hữu