Tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, trên địa bàn huyện Kim Bảng đã có gần 75.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn thông qua mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện (NHCSXH).
Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, mô hình tổ chức, hoạt động của NHCSXH huyện không ngừng đổi mới tác nghiệp tinh gọn, hiệu lực hiệu quả; mở rộng liên kết với các Hội đoàn thể làm ủy thác cùng với Tổ Tiết kiệm và Vay vốn do cộng đồng dân cư tự nguyện thành lập, đến nay đã triển khai thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện là 444,231 tỷ đồng, tăng 18,9 lần so với năm 2003, dư nợ bình quân đạt 60,2 triệu đồng/khách hàng.
Hiện các chương trình đang theo dõi và quản lý gần 7.400 khách hàng vay vốn. Hàng năm, chất lượng tín dụng chính sách ủy thác qua các tổ chức hội đoàn thể không ngừng được củng cố và nâng cao. Tổng nguồn vốn quản lý và huy động đạt 444,491 tỷ đồng, tăng gấp 18,76 lần so với năm 2003.
Nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trong cả giai đoạn đã và đang phát huy hiệu quả, giúp trên 10.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm và duy trì thu nhập cho 4.700 lao động; giúp 9.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng và cải tạo hơn 48.920 công trình nước sạch và công trình vệ sinh mô trường nông thôn; Hỗ trợ xây dựng 208 căn nhà cho hộ nghèo, 60 nhà cho hộ là công nhân, người có công với cách mạng…
Việc khai thác và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả đã góp phần tác động tích cực đến kết quả chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 10,95% năm 2003 xuống còn 4,11% năm 2021 (theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2021-2025).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như hoạt động quản lý nguồn vốn cho vay tại một số Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đôi lúc xảy ra sai sót như xác định hộ vay sử dụng chưa đúng mục đích, công tác quản lý hồ sơ, sổ sách ghi chép của một số tổ trưởng chưa đầy đủ, mức cho vay tạo việc làm còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu…
NHCSXH huyện Kim Bảng đã đề xuất với các Bộ, ngành và NHCSXH Trung ương tham mưu trình Thủ tướng nâng mức cho vay đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên mức 20 triệu đến 25 triệu đồng/công trình; Đề nghị UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, các Sở, ngành có liên quan và NHCSXH tỉnh hàng năm bổ sung thêm nguồn vốn vay chương trinh cho vay hỗ trợ tạo việc làm, góp phần ổn định đời sống cho nông dân và an sinh xã hội trên địa bàn…
Giai đoạn 2021 - 2030, huyện Kim Bảng tập trung mọi nguồn lực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, bảo đảm cung cấp dịch vụ đến 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân từ 8- 10%/năm; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh duy trì dưới mức 0,1%.
Giang Nam