Năm 2019, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương, khảo sát nhu cầu vay vốn của khách hàng, kịp thời giải ngân theo các chương trình đề án, qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao.
Theo ước tính đến hết năm 2019, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 41 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2018 (bảo đảm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng trong năm từ 20 – 22%). Trong số trên, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 19.855 tỷ đồng, tăng 42,62% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 13,47% so với đầu năm; cho vay doanh nghiệp, dư nợ 23.394 tỷ đồng, tăng 30,51% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 26,6% so với đầu năm; còn lại nguồn vốn đầu tư cho vay các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các NHTM cũng đã cơ cấu nguồn vốn bảo đảm phục vụ kịp thời khách hàng đầu tư theo các chương trình, đề án. Cụ thể, đến thời điểm này ước dư nợ cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đạt 12.671 tỷ đồng, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 36,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.633 tỷ đồng, giảm 23,42% so với cùng kỳ năm 2018 và giảm 23,3% so với đầu năm; dư nợ cho vay lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt 11.088 tỷ đồng, tăng 57,78% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 40,14% so với đầu năm.
Theo đánh giá của hầu hết các khách hàng trong tỉnh, năm 2019, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các NHTM có nhiều thuận lợi, các ngân hàng đã kịp thời giải ngân nguồn vốn cho khách hàng vay, với mức lãi suất phổ biến từ 7-10%. Đặc biệt, các NHTM đã cơ cấu nguồn vốn tín dụng phù hợp, kịp thời giải ngân vốn đầu tư vào từng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế tăng trưởng khá. Đồng thời, công tác tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, như: Nợ xấu toàn địa bàn vẫn có xu hướng gia tăng, thể hiện chất lượng tín dụng ở một số NHTM chưa được kiểm soát tốt, một số món nợ xấu chưa xử lý hiệu quả. Một số NHTM công tác mở rộng đầu tư tín dụng theo các chương trình đề án của tỉnh, nhất là chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ dư nợ trên tổng huy động vốn còn thấp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Năm 2019, về quy mô, chất lượng nguồn vốn tín dụng của các NHTM đã được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nổi bật là các NHTM đã bám sát vào các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, tập trung nguồn vốn cho khách hàng vay phát triển kinh tế theo từng nhóm lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ - thương mại. Cách làm này đã phát huy được thế mạnh của từng NHTM và kịp thời hỗ trợ nguồn vốn cho khách hàng đầu tư phát triển kinh tế. Công tác kiểm soát nguồn tín dụng cũng được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm giải ngân theo đúng quy định và hạn chế thấp nhất nợ xấu xảy ra.
Năm 2020, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Đối với các NHTM thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, trong đó ưu tiên tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tích cực triển khai hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Ngoài ra, các NHTM cũng tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng; triển khai các gói tín dụng với lãi suất hợp lý, phù hợp với đặc thù của từng nhóm khách hàng kết hợp với đổi mới, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công bố công khai các thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; tuyên truyền và hướng dẫn để khách hàng hiểu và nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay... phấn đấu năm 2020 tăng trưởng tín dụng đạt từ 20 – 22%.
Trần Hữu
Trần Thoan