Ngày 9-11, tại Hà Nội, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin, phòng, chống tấn công mạng cho các hệ thống thông tin của ngành tài chính-ngân hàng.
Cuộc diễn tập được triển khai trên quy mô lớn tại hai đầu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của 38 ngân hàng với hơn 100 cán bộ, chuyên gia chuyên trách trực tiếp bảo đảm an toàn thông tin tại các ngân hàng tham gia.
Cuộc diễn tập này tiếp nối trong chuỗi diễn tập đảm bảo an toàn thông tin cho các lĩnh vực quan trọng như y tế, hàng không, Chính phủ điện tử… mà Cục An toàn thông tin đang triển khai. Đối với lĩnh vực ngân hàng cũng là một trong 11 lĩnh vực cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định tại Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Danh mục lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó đặc thù của ngành ngân hàng luôn luôn là đích ngắm chính của các tổ chức tin tặc khác nhau, các cuộc tấn công mạng đối với các hệ thống tài chính, ngân hàng liên tục tăng về số lượng và quy mô cũng như độ tinh vi. Do đó, việc triển khai các hoạt động tập huấn, diễn tập nhằm nâng cao năng lực đối phó và xử lý với các sự cố mất an toàn thông tin cho lĩnh vực ngân hàng là yêu cầu cần thiết và cấp bách, cần triển khai thường xuyên.
Thời gian gần đây, có rất nhiều các cuộc tấn công mạng phức tạp và kéo dài hay còn gọi là tấn công có chủ đích APT vào các ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam. Những cuộc tấn công gây ra ảnh hưởng lớn tới các tổ chức và thường chỉ được phát hiện sau khi sự cố đã xảy ra. Dù đã được đầu tư rất nhiều giải pháp an toàn, an ninh mạng, các hệ thống phòng thủ đa lớp tuy nhiên việc phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công APT vẫn còn rất khó khăn. Trước nguy cơ các cuộc tấn công mạng xảy ra ngày càng tinh vi và phức tạp, việc luyện tập xử lý trước và chủ động phát hiện sớm trước khi các cuộc tấn công mạng xảy ra là hết sức cần thiết.
Với thông điệp “Đưa diễn tập an toàn thông tin vào thực chất thông qua diễn tập thực chiến”. Vì vậy, lần diễn tập này có chủ đề “Chủ động tìm kiếm, phát hiện sớm tấn công APT đối với khối tài chính-ngân hàng bằng phương pháp Threat Hunting”.
Quá trình diễn tập sử dụng hệ thống thao trường điện tử CyberField. Đây là hệ thống giả lập, mô phỏng môi trường mạng các hệ thống thông tin vận hành trong thực tế.
Các đội tham gia thực hiện diễn tập trực tiếp trên hệ thống thao trường điện tử CyberField của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin). Đây là hệ thống giả lập, mô phỏng môi trường mạng các hệ thống thông tin vận hành trong thực tế. Hệ thống này đã được triển khai cho nhiều cuộc diễn tập lớn cho nhiều tỉnh thành, bộ ban ngành tại Việt Nam. Hệ thống phục vụ diễn tập gồm có hai thành phần chính là hệ thống giám sát và hệ thống mô phỏng lỗ hổng bảo mật (Mục tiêu tấn công).
Thành viên trong mỗi đội sẽ được nhập vai vào thành các nhân vật trong kịch bản mô phỏng để tiến hành xử lý tấn công mạng từng bước theo quy trình, giảm thiểu thiệt hại, ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp diễn, leo thang nhưng vẫn đảm bảo hệ thống vận hành bình thường.
Kịch bản tấn công được mô phỏng các kỹ thuật thực tế dựa trên các nhóm APT đang có các hoạt động tấn công vào các ngân hàng Việt Nam, sử dụng các kỹ thuật và công cụ để mô phỏng lại theo chuỗi tấn công (kill chain) quá trình một kẻ tấn công giành quyền kiểm soát dữ liệu từ giai đoạn trinh sát thu thập thông tin Internal Recon, Initial Compromise, Establish Foothold,… cho đến bước thiết lập kênh điều khiển kiểm soát, đánh cắp dữ liệu nhạy cảm ra ngoài, truy cập vào được server SWIFT để thực hiện đánh cắp tiền của ngân hàng…
Tiếp đó các đội sẽ phải thực hiện các bài phòng thủ để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu cơ bản cho việc theo dõi, phát hiện cũng như thực hiện điều tra, xử lý tấn công mạng. Sử dụng hệ thống giám sát an ninh mạng và áp dụng Threat Hunting để tìm kiếm, theo dõi, phát hiện sớm tấn công mạng trước khi có thiệt hại nghiêm trọng xảy ra. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, live incident response & forensics (Dữ liệu bộ nhớ RAM, Network Traffic, Event log…). Phân tích các kỹ thuật-chiến thuật-chiến lược (TTP); Dịch ngược và phân tích mã độc. Kết hợp phân tích Threat Intelligence để xác định nguồn gốc, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của cuộc tấn công, viết báo cáo xử lý tấn công mạng và các bài học kinh nghiệm.
Theo nhandan.com.vn
Duy Nam