kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp

Các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 15) và Kế hoạch số 3724/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Hà Nam thực hiện Nghị quyết số 15, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn ngành ngân hàng.

Kế hoạch bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 15 và chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Kế hoạch triển khai Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và danh mục các chương trình, đề án ban hành giai đoạn  2021 - 2030 thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn để triển khai đầu tư tín dụng, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và NHNN Chi nhánh Hà Nam, hỗ trợ hiệu quả phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Hà Nam II luôn coi khách hàng nông nghiệp là người bạn đồng hành và là trung tâm phục vụ. Thực hiện kế hoạch của NHNN Chi nhánh Hà Nam, Agribank Chi nhánh Hà Nam II phân công hợp lý cán bộ phụ trách các địa bàn, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ sản phẩm mới, như thẻ ATM, thẻ tín dụng nội địa, Ngân hàng điện tử… để nâng cao hiệu quả các tiện ích phục vụ khách hàng cũng như hoạt động kinh doanh; đồng thời yêu cầu cán bộ tín dụng thường xuyên bám sát địa bàn, khảo sát nhu cầu vốn phát triển nông nghiệp để xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của hộ sản xuất cũng như yêu cầu xây dựng NTM tại các địa phương. Cùng với đó, ngân hàng tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định, hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình cấp tín dụng, đồng thời tránh bỏ qua các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp
Hoạt động nghiệp vụ cho vay tại Phòng khách hàng hộ sản xuất và cá nhân (Agribank Chi nhánh Hà Nam II). Ảnh: Tiến Dũng

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Nam II cho biết: Mở rộng đầu tư tín dụng để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn chính đáng cho mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa là nhiệm vụ kinh doanh, vừa là nhiệm vụ chính trị; đồng thời phải bảo đảm đúng sự chỉ đạo điều hành của Agribank Việt Nam. Nguồn vốn huy động, tăng trưởng dành để đầu tư tín dụng trước hết ưu tiên đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án hiệu quả.

Không chỉ riêng Agribank Chi nhánh Hà Nam II, các ngân hàng khác như: Agribank Hà Nam, Viettinbank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV)… cũng đã chú trọng ưu tiên đầu tư tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chỉ tính đến hết quý III/2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực  phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 27.470 tỷ đồng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển), tăng 10,86% so với đầu năm, với 101.256 khách hàng còn dư nợ.

Bám sát yêu cầu nhiệm vụ của ngành ngân hàng trên địa bàn và để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy, NHNN Chi nhánh Hà Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu hằng năm dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn (không bao gồm dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát  triển) tăng từ 8-10%; đến năm 2025, đạt khoảng 36.000 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 55.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng từ 35-40% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn).

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra, NHNN Chi nhánh Hà Nam triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN Việt Nam và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kịp thời tham mưu, đề xuất với NHNN Việt Nam, UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và  nông dân. Bên cạnh đó, chi nhánh chủ động tham mưu thực hiện phát triển mạng lưới các tổ chức tín dụng phù hợp với tình hình thực tế; khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, ATM và POS ở địa bàn nông thôn; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân không phải đến ngân hàng nhưng được cung cấp và sử dụng đa dạng các dịch vụ tài chính.

Đối với các tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng cung ứng các sản phẩm dịch vụ; phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, tiện ích, phù hợp với đối tượng khách hàng trên địa bàn nông thôn. Chủ động nắm bắt, tiếp cận và cung ứng các sản phẩm dịch vụ chất lượng tới các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tiết giảm chi  phí hoạt động để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, hộ dân khi vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp
Sản xuất rau hữu cơ tại HTX nông sản hữu cơ Phù Vân (xã Phù Vân, TP Phủ Lý). 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nam cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy, ngân hàng tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh trao đổi, nắm bắt thông tin về những chương trình, đề án trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn để cho vay vốn; những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chú trọng truyền thông chính sách, nhất là cơ chế, chính sách mới về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, tăng niềm tin của nhân dân đối với hoạt động ngân hàng nói chung và hệ thống ngân hàng trên địa bàn nói riêng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch thanh tra hằng năm; trong đó chú trọng thanh tra hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng nguyên tắc.

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy