Sáng 12/10, tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Nam, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý III, triển khai nhiệm vụ công tác quý IV/2022. Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
9 tháng năm 2022, mặc dù dịch Covid-19 có những ảnh hưởng đối với mọi hoạt động phát triển KT-XH, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của Ngân hàng CSXH với các tổ chức chính trị - xã hội và cấp uỷ, chính quyền các địa phương, hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn vẫn được duy trì tốt và có bước phát triển, chất lượng tín dụng tiếp tục được củng cố và nâng cao.
Tính đến 30/9/2022, tổng dư nợ tín dụng đạt gần 2.600 tỷ đồng, tăng gần 350 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt gần 15,52%, cao hơn mức bình quân toàn quốc; hoàn thành 93,6% kế hoạch tăng trưởng dư nợ cả năm. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,18% cuối năm 2021 xuống còn 0,13% thời điểm 30/9/2022; vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động; hỗ trợ xây dựng, cải tạo trên 12.000 công trình nước sạch và vệ sinh; giúp trên 2.000 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến; giúp xây mới 132 căn nhà để ở cho đối tượng chính sách, công nhân, cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ 19 doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 5.349 lượt người lao động;…
Chỉ ra một số tồn tại trong hoạt động 9 tháng đầu năm, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam yêu cầu: Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cần làm việc với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương để bổ sung nguồn vốn uỷ thác địa phương; Chỉ đạo các phòng giao dịch rà soát kỹ đối tượng để dự kiến được nguồn và nhu cầu; Đánh giá, củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm vay vốn, thay thế các tổ hoạt động không hiệu quả; Phối hợp với Ngân hàng Trung ương để bổ sung nguồn tín dụng cho chi nhánh.
Đối với các đơn vị thành viên Ban đại diện HĐQT, cùng với tăng cường kiểm tra, cần giám sát thường xuyên các tổ tiết kiệm vay vốn. Tại buổi họp, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết đến các chương trình vốn vay ưu đãi, thực hiện vay nếu có nhu cầu và đủ điều kiện, góp phần cải thiện đời sống cho người yếu thế trong xã hội.
Nguyễn Khánh