Ổ dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện trên đàn lợn của hộ ông Chu Văn Vỹ, thôn Chanh - Trung Đồng, xã Văn Xá (Kim Bảng).
Trước đó, ngày 27/2 sau khi nhận thông tin đàn lợn của gia đình ông Vỹ ốm, chết bất thường, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã tiến hành lấy tổng số 5 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn 15 con nuôi tại chuồng đưa đi xét nghiệm.
Ngay trong ngày đã có kết quả cả 5 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với Virus dịch tả lợn Châu Phi. Sáng ngày 28/2 Sở NN & PTNT phối hợp với UBND huyện Kim Bảng chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai ngay các biện pháp chống dịch. Trong đó, Sở NN & PTNT cấp 500 lít hóa chất phun khử trùng tiêu độc vùng dịch; tổ chức tiêu hủy toàn bộ 14 con lợn có trong chuồng theo đúng quy trình chống dịch, gồm: 1 con lợn nái, 9 con lợn con và 4 con lợn thịt trọng lượng 50 kg/con.
Tiêu hủy lợn bị dịch theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Được biết, ngày 27/2, địa phương đã tiêu hủy 1 con bị ốm chết (theo quy trình chống dịch) khi chưa có kết quả xét nghiệm. Xã Văn Xá đã họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phân công trách nhiệm cho các thành viên thực hiện công tác chống dịch. Đồng thời, xác định các tuyến đường giao thông vào thôn có ổ dịch thành lập các chốt kiểm tra, ngăn chặn không để vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra vào vùng có dịch. Chốt hoạt động 24/24 trong vòng 30 ngày theo quy định của phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Trong những ngày tới, tại vùng có dịch thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc hệ thống chuồng trại 1 lần/ngày, phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột toàn bộ môi trường xung quanh, kể cả đường làng, ngõ xóm...
Phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường xung quanh ổ dịch.
Theo ông Chu Văn Vỹ, gia đình ông mua đàn lợn thịt không rõ xuất xứ, nguồn gốc qua thương lái về nuôi. Sau mấy ngày thì lợn có tình trạng ốm chữa không khỏi và đã xảy ra dịch tả lợn Châu Phi như kết quả mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm.
Mạnh Hùng
Mạnh Hùng