Vai trò các tổ hợp tác, hợp tác xã trong mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy

Đưa máy móc vào khâu gieo cấy đang được áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng các địa phương trong tỉnh. Hướng đi này phát huy hiệu quả, giúp giải quyết những khó khăn trong sản xuất, nhất là tình trạng thiếu lao động thời vụ... Để mở rộng diện tích cấy máy các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) ít thành viên chuyên ngành mạ khay, cấy máy đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện.

Xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) là một trong những địa phương đi đầu áp dụng cơ giới vào khâu gieo cấy. Hiện diện tích lúa cấy bằng máy của xã đạt hơn 100 ha/vụ, tương đương với trên 70% diện tích mỗi vụ. Ông Nguyễn Văn Sâm, Giám đốc HTXDVNN cho biết: Máy móc cơ giới đang được phát huy tốt trong khâu gieo cấy tại địa phương. Vào vụ, người dân không còn phải lo gieo mạ hay bố trí nhân lực cấy thủ công. Có được kết quả đó là do địa phương đã hình thành được các tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa khâu gieo cấy, xã Tượng Lĩnh thành lập 2 tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy. Trên cơ sở điều hành chung của HTXDVNN Tượng Lĩnh, các tổ dịch vụ đảm nhiệm gieo mạ khay và cấy lúa bằng máy theo diện tích tại những địa bàn đã ký hợp đồng. Cụ thể, các tổ dịch vụ thực hiện việc chuẩn bị giá thể, gieo và chăm sóc mạ khay. Đồng thời, thực hiện cấy lúa bằng máy theo đúng lịch thời vụ, có sự giám sát chất lượng của HTXDVNN và trực tiếp người dân có ruộng. Để phục vụ việc cấy lúa bằng máy, các tổ dịch vụ của Tượng Lĩnh có tổng số 5 máy cấy, 2 giàn máy gieo mạ khay. Ngoài việc phục vụ trên địa bàn, các tổ dịch vụ còn ký hợp đồng cấy lúa bằng máy tại một số địa phương khác trong và ngoài huyện.

Vai trò các tổ hợp tác hợp tác xã trong mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy
Cấy lúa bằng máy tại xã Thanh Tân (Thanh Liêm). Ảnh: Mạnh Hùng

Với các địa phương có tổ hợp tác và HTX chuyên ngành mạ khay, cấy máy diện tích lúa được cấy bằng máy đều mở rộng qua hàng vụ. Tại xã Đạo Lý (Lý Nhân), thành lập được 1 tổ dịch vụ mạ khay cấy máy đầu tư giàn máy gieo mạ khay và 3 máy cấy ngồi lái công suất lớn. Do vậy, diện tích lúa cấy bằng máy tại địa phương được mở rộng nhanh, hiện đạt gần 48% tổng diện tích gieo cấy. Đặc biệt, huyện Thanh Liêm mấy năm gần đây chú trọng việc hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy. Tại huyện đang duy trì hoạt động 11 tổ dịch vụ và HTX chuyên ngành mạ khay, cấy máy. Chỉ tính riêng số lượng máy cấy động cơ hiện đại có 25 chiếc, chiếm khoảng 40% tổng số máy cấy của cả tỉnh. Diện tích lúa cấy bằng máy trên địa bàn huyện Thanh Liêm dẫn đầu cả tỉnh. Chỉ tính riêng vụ mùa năm 2023, diện tích lúa cấy bằng máy của huyện đạt 2.766 ha, bằng 48% diện tích gieo cấy của huyện, chiếm gần 55% tổng diện tích lúa cấy bằng máy của tỉnh. Theo ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm, huyện xác định mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy là hướng đi chính thay thế cho lúa gieo thẳng kém hiệu quả. Do vậy, các địa phương đều lựa chọn những nhân tố phù hợp thành lập các tổ dịch vụ và HTX chuyên ngành mạ khay, cấy máy. Các tổ dịch vụ và HTX đang phát huy tốt hiệu quả hoạt động, lúa cấy máy đang thay thế tốt cho lúa gieo thẳng, nhất là trên những diện tích bị nhiễm lúa cỏ nặng…

Thực tế, để tiếp tục mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy đòi hỏi có sự đầu tư máy móc và tổ chức sản xuất phù hợp với hình thức hoạt động của các tổ dịch vụ và HTX chuyên ngành ít thành viên. Cụ thể, những cơ sở này đầu tư từ giàn gieo mạ khay, khay mạ, máy cấy… Cùng với đó, chuẩn bị lượng giá thể phục vụ gieo mạ khay, chăm sóc mạ tập trung và tổ chức cấy lúa bằng máy. Đây cũng là đầu mối liên kết với các địa phương, kể cả huy động thêm máy cấy, mạ khay từ các địa phương khác tới phục vụ trên địa bàn.  Thực tế, tại các địa phương thành lập được các tổ dịch vụ, HTX chuyên ngành mạ khay, cấy máy, diện tích lúa cấy bằng máy đều được mở rộng qua hàng vụ. Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Các tổ dịch vụ, HTX chuyên ngành đóng vai trò then chốt trong phát triển lúa cấy bằng máy. Hướng đi này tạo sự chủ động trong quá trình điều hành và tổ chức dịch vụ mạ khay, cấy máy đáp ứng nhu cầu của người dân…

Từ việc phát huy vai trò của các tổ dịch vụ, HTX chuyên ngành mạ khay, cấy máy, diện tích lúa cấy bằng máy của tỉnh đã chứng minh được hiệu quả rõ nét thể hiện qua diện tích áp dụng hàng vụ. Vụ mùa 2023 này, diện tích lúa cấy bằng máy của tỉnh đạt 5.046 ha, bằng gần 17% tổng diện tích gieo cấy. Lúa cấy bằng máy đã được thực hiện tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, từng bước thay thế lúa gieo thẳng và cấy thủ công.

Trong sản xuất 2 vụ lúa, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, nhất là khâu gieo cấy là yêu cầu tất yếu. Vì thế, mô hình tổ dịch vụ, HTX chuyên ngành mạ khay, cấy máy cần tiếp tục được phát huy, thành lập thêm tại các địa phương để khai thác và mở rộng hiệu quả diện tích lúa cấy máy.

Thành Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy