Sáng 15/10, tại UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe Sở NN&PTNT báo cáo dự thảo Đề án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa giai đoạn 2021-2022, tỉnh Hà Nam.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 5.720 ha cây ăn quả, trong đó chỉ có 1.673 ha diện tích cây ăn quả trồng tập trung. Giá trị sản xuất cây ăn quả đạt 196,9 tỷ đồng, chiếm 5,8% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Các loại cây ăn quả được trồng chủ yếu: nhãn, vải, chuối, bưởi, ổi, cam, quýt.
Một số địa phương đã quy hoạch vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng ổi, bưởi tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4-5 lần so với trước khi chuyển đổi. Tuy nhiên, nhìn chung, việc sản xuất cây ăn quả bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là về trình độ, kỹ thuật thâm canh của nông dân, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, một số địa phương chưa thực hiện tốt các yêu cầu đề ra đối với việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả, cần xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa. Hướng tới các mục tiêu: xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây ăn quả với khối lượng sản phẩm lớn; nâng cao kiến thức về thực hành nông nghiệp tốt trên cây ăn quả cho người lao động; xây dựng thương hiệu cho một số loại cây ăn quả. Số lượng thực hiện 4 vùng, ở phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên), xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm), xã Nguyễn Úy (huyện Kim Bảng), xã An Ninh (huyện Bình Lục), với tổng diện tích 50,2 ha, trồng các loại cây bưởi, vải và ổi.
Về cơ chế chính sách, theo dự thảo đề án, ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất (50% giống và vật tư thiết yếu); kinh phí phân tích chất lượng đất, nước; triển khai mô hình theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP; thuê giám sát, cấp giấy chứng nhận, duy trì VietGAP...
Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với mục tiêu đề án và cho rằng, việc ban hành đề án là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về sản xuất cây ăn quả hiện nay và nâng cao hiệu quả sản xuất cây ăn quả. Để phát huy hiệu quả đề án, mô hình cần có quy mô tối thiểu 5 ha trở lên, có thể mở rộng trên đất lúa, đất màu chứ không chỉ sản xuất trên đất lúa; cần thực hiện cơ chế hỗ trợ để khuyến khích nông dân sản xuất tập trung, đạt tiêu chuẩn chất lượng; nên kéo dài thêm thời gian thực hiện đề án, vì đối với một số loại cây ăn quả, thời gian 2 năm chưa thể đánh giá được hiệu quả kinh tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị, chỉnh sửa, hoàn chỉnh đề án. Thống nhất thời gian thực hiện đề án là 5 năm, có sự phân kỳ cụ thể, có thể tăng thêm kinh phí thực hiện đề án; phải thành lập các HTX góp phần nâng cao hiệu quả đề án.
Đề nghị Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm quy hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch phát triển nông nghiệp, tăng cường quản lý quy hoạch, không để người dân trồng cây ăn quả tự phát, xử lý nghiêm vi phạm nảy sinh. Đề nghị các huyện, thị xã có địa phương thực hiện đề án tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình; quan tâm các biện pháp để sản xuất nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bích Huệ