Tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa - cá ở Mộc Nam

Gieo cấy lúa kết hợp thả cá ở xã Mộc Nam là một trong 4 mô hình điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp của huyện Duy Tiên được triển khai thực hiện từ vụ xuân năm 2017. Mô hình này bước đầu cho thấy những ưu điểm vượt trội so với việc sản xuất độc canh cây lúa như những năm trước đây.

Mô hình tích tụ ruộng đất nông nghiệp để gieo cấy lúa kết hợp thả cá của ông Ngô Sỹ Tùng, thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam (Duy Tiên).

Trao đổi về mô hình sản xuất lúa - cá của địa phương, ông Bùi Văn Cách, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Mộc Nam khẳng định: Vụ xuân 2017, xã Mộc Nam có 9 hộ tham gia thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất để cấy lúa - thả cá, quy mô trên 21 ha ở các thôn: Đô Quan, Yên Lạc, Yên Ninh, Lảnh Trì. Trước khi thực hiện tích tụ, diện tích này gần 100 mảnh ruộng được các hộ gieo cấy 2 vụ lúa mỗi năm. Đồng đất ở khu vực này không bằng phẳng, chỗ cao, chỗ thấp, thường xuyên bị ốc bươu vàng hại lúa khiến bà con phải dặm tỉa nhiều lần... nên năng suất đạt thấp. Vì thế mà một số hộ lơ là việc chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây lúa hay thậm chí bỏ ruộng đi làm thuê, làm công nhân trong các công ty trên địa bàn huyện... Vì vậy, tích tụ ruộng đất để thực hiện mô hình lúa - cá là hướng đi đúng, phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của địa phương.

Thực hiện mô hình này, vụ xuân vừa qua, các hộ tham gia đều gieo cấy giống lúa Thiên ưu 8, Nhị ưu 838. Sản xuất lúa với quy mô lớn, lại cấy cùng một loại giống, các hộ đã có sự đầu tư, quan tâm hơn đến việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 2,6-2,7 tạ/sào, trong khi các vụ xuân trước chỉ đạt khoảng 2,2 tạ/sào. Hơn nữa, chi phí sản xuất cũng giảm 5 - 10% so với trước đây. Ngay sau khi thu hoạch lúa, các hộ đều đã tiến hành thả đa dạng các loại cá như: trắm, trôi, chép... Thời điểm này, cá tại các cánh đồng đều sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt trên 90%. Từ hiệu quả sản xuất vụ lúa xuân vừa qua, các hộ nông dân đã có sự thay đổi về nhận thức đối với việc tích tụ ruộng đất để tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Từ năm 2014, gia đình ông Ngô Sỹ Tùng, thôn Yên Lạc đã nhận thầu trên 1 ha ruộng trũng để sản xuất đa canh: cấy lúa, nuôi lợn, vịt, thả cá và trồng cây ăn quả. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Vụ xuân vừa qua, ông Tùng tham gia mô hình tích tụ ruộng đất để cấy lúa và thả cá với diện tích xấp xỉ 5 mẫu. Năng suất lúa tại cánh đồng tích tụ này tăng 15-20% so với các năm trước. Theo ông Tùng, sở dĩ năng suất lúa đạt cao là bởi gieo cấy trên ô thửa lớn nên thuận lợi cho các hộ gia đình thực hiện gieo thẳng, điều tiết nước cũng như chăm sóc lúa. Cũng như các hộ khác, ngay sau khi thu hoạch lúa được 2 tuần, gia đình ông Tùng đã thả các loại cá như trôi, trắm, mè... Đến tháng 10 âm lịch là ruộng cá đã có thể cho thu hoạch. Từ kinh nghiệm thực tế sản xuất đa canh những năm qua, ông Tùng ước tính, mỗi sào ruộng lúa - cá sẽ cho năng suất 1,3-1,5 tạ. Với giá bán bình quân 20-25.000 đồng/kg, gần 5 sào cá của ông có thể cho thu nhập từ 14-18 triệu đồng, cao gấp 5-7 lần so với việc chỉ gieo cấy hai vụ lúa như trước.

Đánh giá về mô hình sản xuất lúa - cá, ông Lưu Văn Hùng, thôn Đô Quan cũng tỏ ra rất vui mừng vì gia đình ông có 10 mẫu trong mô hình tích tụ ruộng đất của xã để thực hiện gieo cấy lúa kết hợp thả cá. Ông Hùng cho biết: Nếu như những năm trước đây, bà con địa phương không thiết tha với đồng ruộng vì năng suất lúa đạt thấp thì với mô hình tích tụ để sản xuất lúa - cá này, các hộ tham gia đều phấn khởi đầu tư. Hiện, cá đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Tuy nhiên, với mô hình này vốn đầu tư khá cao, đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc cho cá, lúa. Cụ thể, ruộng nuôi phải bảo đảm nguồn nước tốt. Lúa phải được gặt bằng tay để giữ lại lại gốc rạ, bảo đảm nguồn lúa non làm thức ăn cho cá...

Phó Giám đốc HTXDVNN xã Mộc Nam Bùi Văn Cách cho biết thêm: Trong năm 2018, theo kế hoạch, xã Mộc Nam sẽ mở rộng diện tích tích tụ ruộng đất nông nghiệp lên trên 100 ha để thực hiện mô hình sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ cá hoặc chuyển đổi sang sản xuất 1 vụ sen - 2 vụ cá mỗi năm. Hình thức nuôi cá kết hợp với cấy lúa hay trồng sen sẽ cho năng suất lúa và sen cao hơn so với ruộng không nuôi cá. Bởi lẽ, khi nuôi cá ở ruộng lúa, cá sục bùn ở đáy ruộng giúp diệt cỏ dại, côn trùng hại lúa, đồng thời phân cá thải ra làm giàu dinh dưỡng cho đất. Với mô hình này, sẽ giúp nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy