Thúc đẩy phát triển sản xuất rau, củ, quả

Trong 2 năm gần đây, diện tích sản xuất rau, củ, quả ở Hà Nam tiếp tục được mở rộng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên, loại nông sản này đang được sản xuất theo quy mô nhỏ, khó tạo liên kết vững chắc. Để rau, củ, quả trở thành một trong những loại nông sản chủ lực, cần một kế hoạch phát triển bài bản, chi tiết hơn.

Nông dân thôn 5, xã Phù Vân (TP. Phủ Lý) chăm sóc rau mồng tơi. 

Thực hiện chủ trương của tỉnh về sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nông dân huyện Thanh Liêm xây dựng được nhiều mô hình sản xuất lúa, rau, củ, quả. Trong số những mô hình đang được duy trì, có 2 mô hình sản xuất rau, củ, quả ở xã Thanh Tân và Liêm Túc với tổng diện tích 4 ha.

Ông Nguyễn Văn Điểu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm nhận định: Khó khăn nhất trong sản xuất nông sản sạch nói chung và rau, củ, quả nói riêng chính là đầu ra cho sản phẩm. Không tiêu thụ được sản phẩm thì không mở rộng được quy mô sản xuất. Nông dân Thanh Liêm đang thiếu và cần nguồn giống cây trồng chất lượng tốt… Và để sản xuất nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Văn Điểu cho rằng, cần có kế hoạch bài bản để phát triển, xây dựng mô hình chuẩn, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Do cốt đất và hạ tầng sản xuất chưa bảo đảm theo yêu cầu sản xuất nông sản sạch nên Thanh Liêm không được đánh giá cao về tiềm năng phát triển so với một số huyện khác trong tỉnh. Dù vậy, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nông dân, huyện đã duy trì được một số mô hình, song chủ yếu vẫn là sản xuất lúa. Sở dĩ, mô hình sản xuất lúa đạt kết quả tốt là do có sự liên kết với các doanh nghiệp, còn rau, củ, quả khó mở rộng do khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm thiếu và không chắc chắn.

Trên địa bàn Hà Nam, hiện nay, các địa phương xây dựng được 63 mô hình sản xuất rau, củ, quả và cây dược liệu, 12 mô hình cây ăn quả. Trong đó, có 33 mô hình quy mô từ 3 ha trở lên, tổng diện tích khoảng 117,8 ha, còn lại là những mô hình quy mô dưới 3 ha, tổng diện tích 40,5 ha. Riêng cây ăn quả, có 12 mô hình quy mô từ 2 ha trở lên, với tổng diện tích 84,1 ha sản xuất cam đường canh, bưởi Diễn, chuối ngự, chanh tứ quý,… đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện chỉ có 4 HTX  sản xuất rau, củ, quả liên kết tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm khá ổn định. Trong đó, HTX rau hữu cơ Trác Văn, Nông trại Happy Farm (Duy Tiên) cung cấp cho cửa hàng Green Food, Fivimart,… với tổng sản lượng từ 10-12 tấn/tháng. HTX nông sản an toàn Liên Hiệp (Kim Bảng) hằng tháng cung cấp cho các đầu mối từ 15-20 tấn rau, củ, quả. Những HTX mở rộng quy mô sản xuất thành công đều là nhờ xây dựng được liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Ông Phạm Hoàng Hiệp, Chủ nhiệm HTX nông sản an toàn Liên Hiệp cho biết: Ngoài yếu tố về kỹ thuật, vấn đề cốt yếu trong sản xuất rau, củ, quả chính là có kế hoạch bài bản, sản xuất loại sản phẩm nào, cung cấp cho ai, với số lượng bao nhiêu. Như vậy mới tránh được tình trạng được mùa mất giá.

Chủ trương đẩy mạnh liên kết, phát triển sản xuất rau, củ, quả sạch đã được triển khai thực hiện từ năm 2017. UBND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ các địa phương, nông dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất theo mô hình, đề án tiêu chuẩn. Trong đó, riêng 3 mô hình đặc thù về sản xuất dưa lưới tại huyện Bình Lục được hỗ trợ 250 triệu đồng/mô hình. Các huyện, thành phố hỗ trợ xây dựng 24 cửa hàng giới thiệu, bán nông sản an toàn nhằm giới thiệu, quảng bá, xây dựng các mối liên kết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù cơ chế hỗ trợ đã có, nhưng phát triển sản xuất rau, củ, quả vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân xã Châu Giang, huyện Duy Tiên chuyển từ trồng ngô, đỗ sang trồng bưởi từ đầu những năm 2000. Diện tích trồng cây ăn quả ở đây mỗi năm lại tăng thêm nhưng chưa bao giờ nỗi lo về đầu ra cho cây ăn quả được xóa bỏ. Trao đổi với một số hộ trồng bưởi ở Châu Giang, nhiều nông dân mong muốn đăng kí nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, tạo cơ sở, niềm tin cho khách hàng, đưa sản phẩm vào chuỗi giá trị.

Điều đáng quan tâm ở chỗ, diện tích sản xuất cây ăn quả ở Châu Giang tăng nhanh, nhất là trong 5 năm trở lại đây, nhưng quy mô manh mún. Nhiều nhà vườn chưa chú trọng đến sản xuất theo tiêu chuẩn mà làm theo kiểu tập trung ruộng đất, chia lô trồng cây ăn quả, ít coi trọng đến quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn. Trong khi, thị trường ngày càng đòi khỏi khắt khe đối với mặt hàng  thực phẩm. Để được đưa vào chuỗi phân phối tại cửa hàng, đòi hỏi sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận đạt tiêu chuẩn, nhưng trong quá trình sản xuất, nhiều nông dân chưa chăm lo đến yếu tố này. Đây là nhược điểm mà ngành hàng rau, củ, quả chưa khắc phục được.

Hiện nay, các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát diện tích đất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có nhiều diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và rau, củ.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, những hạn chế trong liên kết sản xuất nông sản sạch không chỉ dừng lại ở năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất và tiếp cận thị trường của nông dân, mà cơ sở hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn, VietGap.

Mục tiêu phấn đấu trong những tháng cuối năm, mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô từ 5 ha trở lên, 6 mô hình có quy mô từ 3 ha trở lên và 5 mô hình có quy mô từ 1-3 ha để trồng rau, củ, quả và hoa; tăng cường liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Để đạt được các mục tiêu về con số không quá khó, cái khó là làm thế nào để mô hình phát triển bền vững.

Rau, củ, quả còn nhiều dư địa để phát triển, song không có nghĩa là sản xuất tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm, có gì làm đó. Những vùng nào có thể phát triển sản xuất rau, củ, quả cần được xem xét kỹ để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng. Điều quan trọng nữa là sản xuất những sản phẩm gì, bán cho ai, với diện tích bao nhiêu cũng cần được lên kế hoạch cụ thể và có đáp án trả lời trước khi mở rộng sản xuất.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy