Tập trung điều tiết nước tưới dưỡng lúa xuân

Hiện nay, lúa xuân cơ bản được gieo cấy xong (gần 28 nghìn ha), bảo đảm yêu cầu thời vụ. Các địa phương bắt đầu chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bón phân đợt 1 cho lúa. Đây là thời điểm yêu cầu cần điều tiết nước hợp lý bảo đảm tưới dưỡng cho lúa theo từng phương thức gieo cấy, tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc của người dân.

Ngay sau khi lúa xuân được gieo cấy xong các địa phương đều tiến hành kiểm tra, rà soát từng cánh đồng, vùng sản xuất để có kế hoạch chăm sóc, tưới dưỡng phù hợp. Huyện Thanh Liêm áp dụng đa dạng các hình thức gieo cấy, gồm: Cấy máy, cấy thủ công và gieo thẳng. Riêng diện tích lúa gieo thẳng của huyện vẫn ở mức khá cao, hơn 3.000 ha, chiếm trên 50% diện tích và xen kẽ với nhiều vùng lúa cấy. Do vậy, việc điều tiết nước tưới dưỡng cần được thực hiện hợp lý cho từng vùng, loại hình gieo cấy.

Để phục vụ nước tưới dưỡng cho lúa xuân trên địa bàn, Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi – KTCTTL Hà Nam) đã tiến hành rà soát từng vùng sản xuất đồng thời xây dựng kế hoạch và xin lịch vận hành các trạm bơm trên địa bàn theo từng trà và phương thức gieo cấy lúa. Với những vùng cục bộ cần tưới dưỡng sớm, xí nghiệp đã phối hợp với các HTXDVNN tạo nguồn trên các tuyến kênh, sử dụng trạm bơm dã chiến nội đồng, kể cả huy động máy bơm dầu của người dân. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Thanh Liêm cho biết: Việc phục vụ tưới dưỡng cho lúa xuân trên địa bàn huyện được đơn vị lên kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các HTXDVNN. Khó khăn chính là quá trình tưới không được đồng loạt do tại các địa phương mỗi trà lúa, vùng sản xuất và phương thức gieo cấy khác nhau. Mục tiêu của xí nghiệp là phấn đấu toàn bộ diện tích lúa được tưới dưỡng kịp thời, đầy đủ...

Nông dân xã Đồng Du (Bình Lục) sử dụng máy bơm dầu tưới dưỡng cho lúa xuân. Ảnh: Thành Nam

Hiện trên địa bàn các hệ thống trạm bơm tưới chính đều chủ động triển khai vận hành nhập nước tưới dưỡng cho lúa xuân. Hệ thống trạm bơm tưới Như Trác đảm nhiệm phục vụ cho hơn 4.000 ha lúa của huyện Lý Nhân và Bình Lục. Để phục vụ tưới dưỡng cho lúa, Tổ quản lý kênh Như Trác (Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam) đã triển khai công tác chuẩn bị, nhất là nắm bắt cụ thể nhu cầu tưới dưỡng cho lúa của từng địa phương. Theo ông Phạm Xuân Thành, Tổ trưởng Tổ quản lý kênh Như Trác, việc tưới dưỡng cho lúa của hệ thống lớn do đó cần bảo đảm chặt chẽ, đồng thời, bám sát thực tế sản xuất. Trong thời gian trạm bơm Như Trác vận hành bơm tưới, đơn vị phải tăng cường trực theo dõi sát nguồn nước và điều tiết hợp lý từng vùng, từng địa phương. Quá trình tưới dưỡng đợt 1 cho lúa xuân năm nay được xác định kéo dài theo trà lúa và phương thức gieo cấy của các địa phương.

Việc thực hiện tưới dưỡng cho lúa sau khi gieo cấy được xác định là nhiệm vụ quan trọng do không thể triển khai đồng loạt do việc gieo cấy của các địa phương có nhiều trà lúa. Ngay tại một địa phương, hay cánh đồng cũng áp dụng phương thức gieo cấy khác nhau. Có nơi ruộng lúa cấy và lúa gieo thẳng cạnh nhau trong khi không cùng nhu cầu tưới dưỡng. Một vấn đề nữa là nước tưới dưỡng cho lúa cũng cần điều tiết hợp lý do cây lúa còn thấp, nhất là diện tích gieo thẳng… Ông Trương Đức Thiện, Trưởng phòng quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam) cho biết: Khác với tưới đồng loạt giai đoạn đổ ải, làm đất, tưới dưỡng phụ thuộc chính vào tình hình sản xuất cụ thể của từng địa phương, nhằm bảo đảm tốt nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân công ty đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp để vừa bảo đảm cây lúa có nhu cầu được tưới dưỡng kịp thời, vừa không ảnh hưởng đến những diện tích khác.

Để bảo đảm nguồn nước và chủ động tưới dưỡng cho lúa xuân, ngay từ khi rút nước trên ruộng phục vụ gieo cấy, Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam đã chỉ đạo các Xí nghiệp thủy nông trực thuộc phối hợp chặt chẽ với địa phương, HTXDVNN triển khai việc giữ nước trên hệ thống kênh mương, hồ, đầm. Đây là nguồn tưới dưỡng cần thiết cho những diện tích lúa cần nước sớm và ở vùng tạo nguồn. Ở những vùng quá cao, xa trục kênh chính, nhỏ lẻ, các địa phương và người dân chủ động dùng máy bơm dã chiến tưới dưỡng. Các Xí nghiệp thủy nông nắm chắc từng trà lúa, phương thức gieo cấy của các địa phương, vùng sản xuất để có kế hoạch tưới phù hợp. Về phía công ty, toàn bộ hệ thống trạm bơm  tại chỗ đều sẵn sàng phục vụ khi cần thiết. Riêng các hệ thống trạm bơm lớn do Công ty KTCTTL Bắc Nam Hà quản lý có sự phối hợp chặt chẽ để vận hành tưới theo yêu cầu sản xuất.

Vụ lúa xuân năm nay ngay từ thời gian đầu sản xuất đã gặp khó khăn về nguồn tưới. Trong đó, mực nước sông Hồng ở thời điểm bơm tưới đều xuống thấp hơn trung bình nhiều năm. Với trạm bơm tưới chính Như Trác giai đoạn lấy nước đổ ải đã phải kéo dài thời gian bơm do nguồn nước từ sông Hồng thấp, thời gian ngừng bơm nhiều. Dự báo, nguồn sông Hồng thời gian bơm tưới dưỡng sẽ ở mức thấp… Tuy nhiên, với công tác chuẩn bị và chủ động triển khai các biện pháp, việc tưới dưỡng chăm sóc lúa xuân mới gieo cấy sẽ được bảo đảm, để lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy