Nửa cuối tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, với lượng mưa trung bình cả đợt hơn 400 mm, cá biệt có địa phương trên 600mm. Mưa lớn gây ngập úng ảnh hưởng trực tiếp đến lúa mùa, nhất là những diện tích vùng trũng, lúa gieo thẳng và mới gieo cấy. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) cả tỉnh có hơn 5.200 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, gồm: gần 1.640 ha bị thiệt hại dưới 30%, hơn 1.689 ha thiệt hại từ 30 – 70%, 1.685,5 ha thiệt hại trên 70% do ngập lâu trong nước.
Ngay sau khi nước rút, ngành NN & PTNT cùng các địa phương đã chỉ đạo hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) tổ chức cho người dân khôi phục lại sản xuất. Các biện pháp gieo cấy lại cũng được triển khai đồng bộ, bảo đảm không để ruộng trống.
Theo đó, với những diện tích thiệt hại dưới 70% tiến hành dặm tỉa, chăm sóc. Tổ chức cấy lại những diện tích lúa bị thiệt hại trên 70%. Quá trình thực hiện dặm tỉa bảo đảm cùng giống lúa đã cấy trước đó. Người dân sử dụng tối đa nguồn mạ dự phòng theo kế hoạch và tỉa lúa ở những ruộng đã gieo cấy có mật độ dày khi cần thiết. Trường hợp không còn mạ dự phòng, HTXDVNN và người dân chủ động liên hệ với các địa phương trong và ngoài tỉnh để kịp thời có nguồn mạ bổ sung. Có thể gieo mạ khay, mạ nền cứng với các giống lúa ngắn ngày để cấy lại diện tích bị thiệt hại, không để ruộng trống do thiếu mạ.
Thực tế, nhiều địa phương, HTXDVNN khi thấy tình hình ngập úng và khả năng thiệt hại đã chủ động chỉ đạo người dân gieo mạ nền cứng từ sớm để bảo đảm khi nước rút có mạ cấy lại ngay. Tại huyện Thanh Liêm, một số tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy đã gieo hàng nghìn khay mạ cung cấp cho người dân. Một số cơ sở chỉ lấy nguyên tiền giống lúa, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cấy lại.
Thanh Liêm là địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại do mưa úng nhiều nhất với gần 2.350 ha (trong đó trên 800 ha bị thiệt hại hơn 70%). Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm cho biết: Diện tích lúa của huyện bị thiệt hại lớn và trải rộng ở nhiều địa phương. Ngay khi mưa úng xảy ra, phòng đã đánh giá tình hình và tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các HTX chủ động dặm tỉa và gieo cấy lại diện tích bị thiệt hại. Việc khôi phục lúa mùa sau ngập úng được thực hiện ngay khi nước rút, cơ bản các địa phương đã hoàn thành ngay trong tháng 7.
Tuy nhiên, từ đợt ngập úng này cho thấy còn khá nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đối phó với mưa úng trong sản xuất vụ mùa. Điển hình, tại nhiều địa phương người dân không tuân thủ nghiêm lịch thời vụ và phương thức gieo cấy.
Cụ thể, theo lịch thời vụ lúa gieo thẳng dưới 30% diện tích, được thực hiện từ ngày 15 – 25/6, bảo đảm gọn vùng ở những chân ruộng cao, chủ động tiêu thoát nước tốt. Tuy nhiên, lúa gieo thẳng của tỉnh vụ mùa này được thực hiện lên đến trên 9.000 ha, chiếm hơn 32% tổng diện tích gieo cấy. Tại không ít địa phương, người dân vẫn áp dụng phương thức gieo thẳng ở những chân ruộng có cốt đất thấp, dễ bị ngập úng.
Lúa gieo thẳng nhiều nơi vẫn gieo sau ngày 25/6. Như tại xã An Lão (Bình Lục) mặc dù nằm trong vùng trũng, nhưng có diện tích lúa gieo thẳng lên đến hơn 90%, người dân chủ yếu thực hiện gieo vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Do vậy, khi cây lúa mới lên được 3- 4 lá gặp mưa lớn đầu vụ dễ bị ngập úng, dẫn đến thiệt hại nặng. Chỉ riêng HTXDVNN Quế Sơn (An Lão) đã bị ngập trắng 90% diện tích (trong đó hơn 50% diện tích phải gieo cấy lại).
Theo ông Trần Tuấn Xuân, Giám đốc HTXDVNN Quế Sơn, lúa gieo thẳng chiếm tỷ lệ cao và tập quán gieo cấy muộn đang là hạn chế lớn trong sản xuất vụ mùa của HTX. Từ thiệt hại của vụ mùa năm nay, HTX sẽ rút kinh nghiệm và có chỉ đạo sát sao hơn, nhất là bảo đảm tốt lịch thời vụ trong những vụ mùa tiếp theo để hạn chế thiệt hại khi gặp mưa lớn đầu vụ…
Một hạn chế nữa trong sản xuất vụ mùa khi mưa úng xảy ra là diện tích mạ dự phòng tại nhiều địa phương không bảo đảm theo kế hoạch. Một số nơi, khi gieo cấy xong, mạ thừa người dân không giữ lại mà bỏ đi giải phóng đất cấy hết đất mạ mùa. Tình trạng này dẫn đến thực tế khi lúa mùa mới cấy gặp thiên tai không có đủ mạ dự phòng để gieo cấy lại. Việc đi mua mạ tại những nơi khác chất lượng không bảo đảm, khó tìm được loại cùng giống lúa đã cấy để dặm tỉa. Cùng với đó, giá mua mạ trong thời điểm mưa úng rất cao do nguồn cung thiếu.
Bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Vĩnh Tứ, HTX Quế Sơn (An Lão, Bình Lục) phải cấy lại gần như toàn bộ 7 sào ruộng. Do áp dụng phương pháp gieo thẳng không có mạ dự phòng, bà đã phải mua mạ với giá 20 nghìn đồng/bó. Như vậy, để cấy lại 1 sào lúa chi phí tiền mạ khoảng 250 – 300 nghìn đồng, quá cao so với mạ tự gieo. Bà Thắm chia sẻ: Thời gian gần cuối tháng 7 nên không thể gieo thẳng và gieo mạ mới được. Biết là mua mạ đắt, chi phí sản xuất đội lên rất nhiều nhưng đành phải làm, không thể để ruộng trống. Hy vọng thời tiết giai đoạn sau ủng hộ, lúa cho năng suất cao bù lại chi phí.
Trao đổi về quá trình sản xuất vụ mùa năm nay, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Sản xuất vụ mùa năm nay đã bị ảnh hưởng và thiệt hại lớn từ thiên tai. Cùng với các biện pháp khắc phục, các địa phương, HTXDVNN cần nhìn nhận rõ những hạn chế, từ đó có chỉ đạo sát sao, hiệu quả hơn cho những vụ tới. Quan trọng nhất là người dân cần tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ hạn chế tác động khó lường của thời tiết. Về phía ngành đang chỉ đạo sát sao quá trình sản xuất, nhất là khâu chăm sóc cho lúa mùa, giúp bảo đảm năng suất, bù lại thiệt hại phải gieo cấy lại đầu vụ.
Mạnh Hùng