Hà Nam hiện có 5.700 ha mặt nước nuôi thủy sản, gồm 1.300 ha mặt nước ruộng trũng, còn lại là ao, hồ, đầm. Hằng năm, sản lượng thủy sản đạt hơn 20.000 tấn, cho giá trị gần 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, nuôi thủy sản hiện nay chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân chính do nhiều diện tích nuôi khó khăn về nguồn nước trong những tháng mùa khô.
Ông Trần Ngọc Sinh, thôn Đông Hải, xã Duy Hải (Duy Tiên) hiện đang có gần 1 ha mặt nước nuôi thủy sản. Diện tích này chỉ bằng 30% so với cách đây hơn 10 năm.
Được biết, việc ông Sinh phải giảm diện tích nuôi thủy sản là do nguồn nước khó khăn. Nước lấy vào ao hoàn toàn từ sông Nhuệ, nhưng cả số lượng và chất lượng nước không được bảo đảm. Vào những tháng cuối năm này, nước sông Nhuệ xuống rất thấp, ô nhiễm rất nặng. Do vậy, cá không thể nuôi thâm canh cao và phải thu hoạch sớm, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lên đến trên 15% dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Ông Sinh cho biết: Các ao nuôi cá mỗi năm bị thiếu nước khoảng 4 tháng mùa khô, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 10, gối sang 2 tháng đầu năm mới. Việc lấy nước rất khó khăn, thường thì khi nước bơm vào kênh phải để lắng từ 10 – 15 ngày mới dám đưa vào ao. Nguồn nước thiếu và ô nhiễm nhưng không có nguồn nào khác thay thế.
Diện tích ao nuôi thủy sản của anh Đàm Thanh Minh, thôn Đông Hải, xã Duy Hải (Duy Tiên) thiếu nước, thường xuyên phải dùng guồng nước tạo ôxy cho cá.
Xã Duy Hải hiện nay có khoảng hơn 110 ha mặt nước nuôi thuỷ sản, chiếm đến 30% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích này đều lấy nước từ sông Nhuệ đang gặp khó khăn trong những tháng mùa khô. Vì thế chỉ có khoảng 20% diện tích ao, đầm nước sâu có thể nuôi thâm canh, thu hoạch vào dịp cuối năm, còn lại chỉ thả quảng canh với các loại cá truyền thống và phải thu sớm.
Chính vì thế, năng suất cá của phần lớn diện tích nuôi đạt thấp, chỉ khoảng 3 – 4 tấn/ha/năm. Cá chủ yếu là trôi, mè, rô phi… không có cá đặc sản, trọng lượng nhỏ nên giá bán thấp.
Ông Lê Văn Phóng, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết: Diện tích mặt nước lớn, xã luôn xác định đây là một trong những hướng đi chính trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tích cực triển khai đưa các mô hình nuôi thủy sản mới vào sản xuất, như tôm càng xanh, chép lai, trắm đen... Tuy nhiên, các mô hình đều không thành công do nước vừa thiếu vừa ô nhiễm, nhất là giai đoạn cuối năm.
Không riêng xã Duy Hải, diện tích nuôi thủy sản ở những xã của huyện Duy Tiên và huyện Kim Bảng đều đang gặp khó khăn về nguồn nước vào dịp cuối năm. Đây đều là những xã phụ thuộc chính vào nguồn nước từ sông Nhuệ. Như xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) có hơn 100 ha mặt nước nuôi thủy sản, nhưng do nằm cuối nguồn tưới của hệ trạm bơm Giáp Ba, để có nước nuôi thủy sản những tháng mùa khô, các hộ nuôi đều phải có biện pháp giữ và trữ nước trong hệ thống các ao. Tuy nhiên, lượng nước vẫn không bảo đảm và đủ để giữ ấm cho cá trong mùa đông, nhất là những ngày rét đậm, rét hại. Nhiều hộ đã phải thu hoạch cá sớm không thể để chờ bán vào dịp cuối năm.
Được biết, hiện nay có đến 40% diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn bị thiếu nước trong mùa khô. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc phục vụ nước cho diện tích nuôi thủy sản vẫn kết hợp và phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi chung, chủ yếu tập trung cho trồng trọt. Những tháng mùa khô lại là thời điểm các trạm bơm ít vận hành, chủ yếu duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa chuẩn bị phục vụ cho vụ mới. Cùng với đó, mực nước trên các sông trong mùa khô xuống thấp.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Thủy sản (Sở NN & PTNT) cho biết: Thiếu nước trong mùa khô đang là hạn chế rất lớn trong phát triển thủy sản của nhiều vùng trong tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, các hộ nuôi thủy sản cần có kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện thiếu nước. Tăng cường chăm sóc, vệ sinh ao, phòng chống dịch bệnh cho cá. Về lâu dài, cần có quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho các vùng nuôi thủy sản tập trung. Như thế, thủy sản mới phát huy thế mạnh đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp.
Mạnh Hùng
Mạnh Hùng