kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Hiệu quả mô hình sản xuất cây ăn quả chuyển đổi từ đất lúa

Hiệu quả mô hình sản xuất cây ăn quả chuyển đổi từ đất lúa

Thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025” trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch, xây dựng 4 vùng sản xuất được chuyển đổi từ đất lúa, với tổng diện tích gần 49 ha. Những loại cây ăn quả trồng trên vùng chuyển đổi đều có khả năng cho giá trị kinh tế cao, gồm: Bưởi, vải lai U trứng và ổi lê Đài Loan. Hiện, những mô hình này đang phát huy tốt hiệu quả, tạo bước đột phá mới trên đồng ruộng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiệu quả của mô hình chuyển đổi được thể hiện rõ ở diện tích trồng cây ổi lê Đài Loan tại thôn Đanh Nội, xã Thanh Hương (Thanh Liêm). Ban đầu (từ năm 2017) hộ chị Đỗ Thị Chuyên đã chuyển đổi 1 mẫu đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ổi lê Đài Loan; trồng theo hướng an toàn, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ. Sản phẩm ổi trên diện tích chuyển đổi của chị cho chất lượng ngon, bán với giá cao, ổn định, nguồn cung không đủ cầu. Từ diện tích chuyển đổi của chị Chuyên, năm 2019 xã Thanh Hương quy hoạch và xây dựng mô hình chuyển đổi trên đất lúa gắn với diện tích trồng ổi của chị Chuyên theo Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025” có diện tích gần 4,9 ha. Cùng với các hộ khác trong vùng, hộ chị Đỗ Thị Chuyên đã thuê thêm đất của người dân mở rộng diện tích trồng ổi lê Đài Loan lên 2 ha.

Qua thực tế sản xuất cho thấy, cây ổi lê Đài Loan rất phù hợp với chất đất tại địa phương. Hiện sản phẩm ổi tại mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), xếp hạng 3 sao. Về giá trị sản xuất, mỗi sào trồng cây ổi lê Đài Loan cho giá trị bình quân 17 triệu đồng/năm, trừ chi phí (tiền thuê đất, giống, phân bón…) đạt lợi nhuận 10 triệu đồng/năm, cao gấp 5 - 7 lần cấy lúa trước đây. Chị Đỗ Thị Chuyên chia sẻ: Cây ổi lê Đài Loan đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khâu tiêu thụ vẫn là thị trường tự do nhưng không bị tồn đọng sản phẩm. Tính bình quân cả năm, mỗi ngày gia đình thu hoạch và bán ra thị trường khoảng 300 kg, cao điểm 700 – 800 kg/ngày.

Mô hình trồng ổi lê Đài Loan chuyển đổi trên đất lúa của chị Đỗ Thị Chuyên cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thành Nam

Cũng như Thanh Hương, tại xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) cũng quy hoạch và thực hiện chuyển đổi 23,29 ha đất lúa cốt cao sang trồng cây vải lai U trứng. Qua quá trình sản xuất, cây vải lai U trứng trồng tại Nguyễn Úy có chất lượng ngon không thua kém sản phẩm vải những vùng nổi tiếng của Bắc Giang, Hải Dương… Đặc biệt, cây vải lai U trứng cho thu hoạch sớm khi mà các vùng trồng khác chưa có sản phẩm để bán nên giá bán cao, bình quân gấp 2 – 3 lần vải cho quả chính vụ. Cây vải lai U trứng cho giá trị cao gấp hơn 5 lần cấy lúa trước đây. Khi cây vải đạt 20 năm tuổi có thể cho giá trị cao gấp 10 lần (đã được chứng minh ở những hộ trồng trên đất vườn). Chi phí cho cây vải lai U trứng khá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTXDVNN Nguyễn Úy cho biết: Cây vải lai U trứng được đưa về địa phương trồng hơn 20 năm trên diện tích đất vườn và khu sản xuất đa canh. Trồng vải lai U trứng không mất nhiều công chăm sóc như các cây trồng khác. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng khá thuận lợi, người dân đưa vải đến bán tại điểm thương lái thu mua tập trung. Đây là yếu tố chính để cây vải lai U trứng tiếp tục được quy hoạch, mở rộng trên diện tích đất lúa chuyển đổi.

Diện tích chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả theo Đề án của tỉnh còn được thực hiện tại phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên) và xã An Ninh (Bình Lục) có tổng diện tích 20,3 ha. Những vùng cây ăn quả được chuyển đổi theo Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025” được các địa phương quan tâm định hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng sản phẩm OCOP. Do vậy, giá trị sản xuất trên diện tích canh tác được nâng lên.

Đánh giá về sản xuất cây ăn quả chuyển đổi từ đất lúa, bà Trần Thị Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Những mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa cho thấy hướng phát triển đúng trên đồng ruộng. Người dân có điều kiện áp dụng khoa học – kỹ thuật vào quá trình sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, thể hiện tính bền vững và cho giá trị vượt trội.

Diện tích cây ăn quả của tỉnh qua thống kê sơ bộ có hơn 6.400 ha (tính đến hết năm 2023), tăng hơn 120 ha so với năm 2022. Các loại cây ăn quả đều cho năng suất và thu nhập ổn định do bảo đảm được thị trường tiêu thụ. Từ thành công của những diện tích thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025” mở ra hướng đi mới trong quá trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên vùng đất lúa sản xuất kém hiệu quả của tỉnh trong thời gian tới.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy