Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để ứng phó với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, cơ cấu mùa vụ cần được tính toán, chuyển đổi cho phù hợp, giúp tránh được ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn Hà Nam cho biết: Biến đổi khí hậu được thể hiện rõ nét qua các hiện tượng thời tiết bất thường, không theo quy luật tự nhiên, rất khó dự báo. Có thể kể đến như mưa không theo mùa, có cường độ lớn trong thời gian ngắn; nắng nóng cao, kéo dài…

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để ứng phó với biến đổi khí hậu
Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ giúp cây lúa tránh thời tiết bất thuận, sinh trưởng và phát triển tốt.
Trong ảnh: Nông dân thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) chăm sóc lúa mùa.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã liên tiếp xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường do chịu tác động của biến đổi khí hậu. Điển hình, mưa có cường độ lớn xảy ra rất sớm, ngay từ ngày 25/1 (tức ngày mùng 1 tết Nguyên đán), với lượng mưa đo được tại thành phố Phủ Lý lên đến 110,6mm trong thời gian ngắn. Bình thường, hằng năm những trận mưa lớn thường xuất hiện khoảng giữa đến cuối tháng 3 trở đi. Bên cạnh đó, nắng nóng gia tăng đáng kể so với trung bình nhiều năm. Đã có những đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục xuất hiện lần đầu tiên, trước đó chưa được ghi nhận trong đồ thị quan trắc từ khi có số liệu đến nay. Cụ thể, các đợt nắng nóng liên tiếp xảy ra, như đợt nắng nóng kéo dài 15 ngày, từ  30/5 – 13/6, trong đó có 12 ngày nắng nóng gay gắt (từ 37 – 39o C); đợt 2 cũng kéo dài 15 ngày, từ 17/6 – 1/7, trong đó có 6 ngày nắng gắt, 3 ngày đặc biệt gay gắt (39,9oC)… Hay với lượng mưa trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 7 đang thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Với sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng có đến 70 – 80% thành công phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đơn cử, một vụ lúa được tổ chức sản xuất rất tốt ở tất cả các khâu, hứa hẹn cho vụ mùa thắng lợi, nhưng chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch lại gặp mưa, úng có thể dẫn đến thiệt hại toàn bộ. Điều này đã được chứng minh trong vụ mùa năm 2017, có đến hàng nghìn ha lúa của tỉnh bị thiệt hại do ngập úng. Tại thời điểm đó, nhiều địa phương đã huy động lực lượng bộ đội, công an giúp người dân thu hoạch, nhưng lúa bị ngâm nhiều ngày trong nước phần lớn hạt thóc bị mọc mầm không thể sử dụng làm lương thực. Vì thế, yêu cầu đặt ra là cần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ giúp sản xuất hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu mùa vụ. Có thể kể đến, với vụ lúa xuân 100% diện tích được gieo cấy ở trà xuân muộn. Với vụ mùa, trên 50% diện tích trà mùa sớm, còn lại mùa trung, bỏ hẳn mùa muộn. Hay vụ đông cũng được đẩy sớm lên, gieo trồng tập trung trong tháng 9. Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (Sở NN & PTNT) cho biết: Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ là giải pháp hiệu quả để có thể ứng phó với bất thuận của thời tiết. Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu với Sở NN & PTNT, UBND tỉnh để có sự chỉ đạo sát hơn trong quá trình sản xuất.

Tìm hiểu thực tế sản xuất cho thấy, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đã góp phần hạn chế đáng kể thiệt hại cho sản xuất. Đơn cử như trong vụ xuân, trà xuân muộn được cấy 100% diện tích. Việc gieo cấy lúa trà xuân muộn tức là xung quanh tiết lập xuân đã hạn chế tối đa được rét đậm, rét hại cuối mùa đông. Đồng thời, cây lúa trỗ xung quanh tiết lập hạ thuận lợi việc thụ phấn, bảo đảm năng suất cao. Cùng với đó, vụ mùa được bố trí tăng diện tích trà mùa sớm để tránh đợt mưa đầu tháng 7 cho lúa mới cấy. Việc thu hoạch lúa mùa trong khoảng giữa tháng 9 sẽ hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của những trận mưa lớn vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Quan trọng hơn, việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sẽ hạn chế tác động của bất thuận thời tiết giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những loại giống có năng suất, chất lượng vào gieo cấy. Không những vậy, khi mùa vụ của 2 vụ lúa được bảo đảm còn tạo thuận lợi cho mở rộng gieo trồng cây vụ đông hàng hóa sớm giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập trên diện tích canh tác.

Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ thể hiện rõ nét nhất tại huyện Thanh Liêm. Hiện nay, việc gieo cấy 2 vụ lúa trên địa bàn đều thực hiện sớm. Như trong vụ lúa xuân 2020, toàn bộ diện tích lúa của các địa phương trên địa bàn Thanh Liêm được gieo cấy (chủ yếu gieo thẳng) từ ngày 8 – 18/2; vụ mùa với trên 90% diện tích lúa được áp dụng phương pháp gieo thẳng đúng thời vụ, không bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng mạnh, tránh hỏng hạt giống. Trước đây, so với toàn tỉnh, huyện Thanh Liêm luôn gieo cấy sau cùng trong cả vụ xuân và vụ mùa dẫn đến lúa bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng hiện nay, do chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, năng suất lúa của huyện Thanh Liêm vươn lên thứ 3 trong tỉnh, bình quân năng suất đạt 120 tạ/ha/năm. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đang tạo bước đột phá mới trên đồng ruộng của huyện. Từ kết quả này, Phòng NN & PTNT đang nghiên cứu và tham mưu với UBND huyện chỉ đạo đưa các giống cây trồng mới phát huy tiềm năng đất đai vào sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa giá trị cao, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để hạn chế tác động của thời tiết bất thuận là một trong những yếu tố quan trọng để đạt được năng suất, giá trị trên diện tích canh tác.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy