Đa dạng các loại sản phẩm từ cây ngô đông 

Từ nhiều năm nay, ngô vẫn là một trong những loại cây trồng chủ lực đối với sản xuất vụ đông. Trong vụ đông 2022, diện tích cây ngô đạt 2.134 ha, bằng 26,5% tổng diện tích gieo trồng. Không chỉ mở rộng diện tích, cây ngô hiện nay đã được sản xuất tạo ra đa dạng các loại sản phẩm giúp nâng cao giá trị, từ ngô ngọt, ngô nếp đến ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc…

Tìm hiểu tại xã Văn Xá (Kim Bảng), vụ đông năm nay diện tích cây ngô được mở rộng lên 25 ha, gấp 2 lần kế hoạch đề ra. Phần lớn diện tích được người dân trồng giống ngô ngọt cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi đáng kể cơ cấu cây trồng trong vụ đông khi diện tích ngô thay thế một phần đáng kể cây bí đỏ. Bình quân mỗi sào ngô thu được từ 4 – 4,5 triệu đồng, cao hơn bí đỏ và nhiều loại sản phẩm cây trồng vụ đông khác.

Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTXDVNN Văn Xá cho biết: Cây ngô ngọt có những ưu thế khá lớn so với nhiều loại cây trồng vụ đông khác về giá trị, khả năng mở rộng, nhất là không quá khắt khe về thời vụ dù là cây trồng sớm ưa ấm. Địa phương đã tích cực triển khai, tuyên truyền để người dân lựa chọn cây ngô thay thế những cây trồng kém hiệu quả khác.

Tại huyện Kim Bảng, cây ngô chiếm hơn 25% tổng diện tích cây vụ đông. Người trồng ngô cũng hướng đến tạo ra đa dạng các sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường, như: Ngô ngọt, ngô nếp, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc… Riêng cây ngô tẻ trồng lấy hạt đã giảm hẳn, diện tích gieo trồng không đáng kể. Như ở xã Khả Phong, đã chuyển hẳn sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc với diện tích 57 ha. Tại xã Tượng Lĩnh trồng 46 ha ngô nếp, thành những cánh đồng có quy mô tập trung. HTXDVNN Tượng Lĩnh đã ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến cho người dân trên toàn bộ diện tích…

Bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Kin Bảng cho biết: Cây ngô đang thể hiện ưu thế và phát triển khá tốt trên đồng ruộng của huyện. Các địa phương đã quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh từng loại ngô tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố…

Đa dạng các loại sản phẩm từ cây ngô đông 
Chăm sóc cây ngô ngọt vụ đông 2022 tại xã Nhân Nghĩa (Lý  Nhân). Ảnh: Kim Chi

Cũng như Kim Bảng, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi đa dạng sản phẩm trên diện tích trồng ngô đông. Như huyện Lý Nhân, dọc vùng hàng trăm ha đất bãi ven sông Hồng được người dân chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc. Sản phẩm này cho giá trị tương đương và cao hơn ngô lấy hạt, quan trọng hơn người trồng ngô thu hoạch bán cả cây và bắp tươi không phải phơi, tách hạt như trước. Một vấn đề nữa, cây ngô sinh khối đang có nhu cầu lớn, dễ tiêu thụ với số lượng lớn cung không đủ cầu. Sản phẩm cây ngô sinh khối tại Lý Nhân được xuất bán sang nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại Thái Bình, cung cấp thức ăn xanh cho chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn thị xã Duy Tiên… Với cây ngô trồng trên đất 2 lúa tại các địa phương đều được chuyển đổi chủ yếu sang trồng ngô nếp, ngô ngọt. Nhiều nhất, xã Nhân Nghĩa trồng hơn 60 ha ngô ngọt và ngô nếp…

Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT) đánh giá: Cây ngô được các địa phương trong tỉnh duy trì khá tốt về diện tích sản xuất. Việc không còn tập trung vào ngô lấy hạt mà đã chuyển sang đa dạng các sản phẩm theo nhu cầu thị trường đã nâng cao được giá trị sản xuất từ cây ngô.

Thực tế sản xuất cho thấy, hướng chuyển đổi trong sản xuất cây ngô đang phát huy tốt hiệu quả. Về diện tích trồng ngô luôn được bảo đảm do ngô sinh khối, ngô nếp lấy bắp và ngô ngọt đều có thời gian sinh trưởng ngắn, không đòi hỏi quá khắt khe về thời vụ như ngô tẻ lấy hạt. Điều này thể hiện qua vụ đông năm nay mặc dù bị ảnh hưởng từ việc lúa mùa thu hoạch muộn, gặp mưa kéo dài, nhưng diện tích gieo trồng cây ngô vẫn đạt trên 90% kế hoạch, cao hơn nhiều loại cây trồng ưa ấm khác. Cây ngô có thể trồng gối lứa, tránh thu hoạch tập trung dễ bị ảnh hưởng giá thị trường xuống thấp tại thời điểm thu hoạch. Với những vùng trồng ngô nếp, ngô ngọt truyền thống, cây ngô được trồng rải cung cấp sản phẩm ra thị trường. Về giá trị, cây ngô nếp, ngô ngọt bình quân đạt từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/sào/vụ. Như vậy, những hộ trồng 5 – 7 sào/vụ ngô trở lên cho thu hàng chục triệu đồng.

Cây ngô hiện nay không đơn thuần là sản phẩm ngũ cốc để tính vào sản lượng lương thực. Thay vào đó, sản phẩm ngô đã trở thành hàng hóa. Hướng đi này tiếp tục được người dân trong tỉnh duy trì và phát triển góp phần vừa mở rộng diện tích, vừa nâng cao giá trị sản xuất vụ đông.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy