Chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất vụ lúa xuân 2023

Trên các cánh đồng hiện nay, việc chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2023 đang được các địa phương và nhân dân tích cực triển khai thực hiện. Rõ nét nhất là công tác làm thủy lợi nội đồng, nạo vét, khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương đang được tập trung triển khai. Khối lượng đất đào đắp thủy lợi đã đạt khoảng 30% kế hoạch. Cùng với đó, người dân đã tiến hành cày lật đất cho diện tích gieo cấy vụ lúa xuân 2023.

Được biết, vụ xuân 2023, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy hơn 28 nghìn ha lúa, với 100% diện tích trà xuân muộn. Trong sản xuất, các địa phương hướng đến tăng tỷ lệ lúa chất lượng lên trên 45% diện tích, lúa lai 40 – 45% diện tích, còn lại là các giống lúa thuần năng suất cao. Vụ xuân tới được dự báo sản xuất trong điều kiện nền nhiệt độ toàn mùa cao hơn trung bình nhiều năm; lượng mưa toàn mùa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 200 – 300 mm; mực nước trên các sông chính chảy qua địa bàn (sông Hồng, sông Đáy) xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm… Vì thế, quá trình sản xuất sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.

Chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất vụ lúa xuân 2023
Diện tích đất cấy vụ lúa xuân 2023 tại HTX nông nghiệp Nhân Tiến, xã Tiến Thắng (Lý Nhân) được cày lật đất sớm. Ảnh: Thành Nam

Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) cho biết: Vụ sản xuất 2023 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, mặc dù vậy, đây là vụ sản xuất được kỳ vọng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống, áp dụng các mô hình sản xuất mới, mở rộng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Do vậy, công tác chuẩn bị cần được các địa phương triển khai sớm, nhất là chú ý đến khung thời vụ gieo cấy…

Được biết, để thực hiện tốt sản xuất vụ xuân 2023, ngành NN & PTNT đã triển khai đồng bộ và cụ thể các giải pháp. Theo đó, về thủy lợi, ngành đã xây dựng kế hoạch tiến hành đào đắp, nạo vét kênh mương với tổng khối lượng gần 430 nghìn m3 đất. Việc nạo vét kênh mương được các doanh nghiệp thủy nông phục vụ trên địa bàn, HTXDVNN triển khai sớm để hoàn thành trước ngày 31/12/2022 kịp lấy nước đổ ải vụ mới.

Khâu cày lật đất cũng được tranh thủ thời tiết thuận lợi triển khai sớm ở những diện tích không trồng cây vụ đông. Đất cấy được cày giúp thoáng khí, bộ rễ cây lúa phát triển tốt. Biện pháp này còn làm giảm nguồn dịch hại trên đồng ruộng tồn dư từ vụ trước. Cùng với đó, các địa phương chủ động chuẩn bị vật tư, phân bón, giống lúa chất lượng cung ứng đủ nhu cầu sản xuất. Riêng với phân bón giá vẫn đang ở mức cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của người dân. Do vậy, trong công tác chuẩn bị sản xuất các địa phương bám sát hướng dẫn quy trình bón phân theo kết quả “Đề án quy hoạch, lập bản đồ, phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa tỉnh Hà Nam”. Theo đề án, có 36 công thức phân bón đề xuất cho các vùng lúa của tỉnh giúp sử dụng phân bón tiết kiệm, phù hợp với từng loại đất vẫn bảo đảm cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Đặc biệt, vụ xuân 2023 các địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Trong đó, chú trọng đến thực hiện Đề án phát triển mạ khay, cấy máy, phấn đấu đạt hơn 4.400 ha… Mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy thay thế lúa gieo thẳng là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả lúa cỏ phát sinh gây hại trong điều kiện thiếu lao động thời vụ.

Tại huyện Bình Lục đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ mới đến các địa phương. Tổng diện tích gieo cấy lúa xuân của cả huyện 7.710 ha; trong đó, huyện xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, diện tích chuyển đổi cấy lúa bằng máy và duy trì các mô hình sản xuất lúa chất lượng quy mô tập trung với diện tích thấp nhất 20 ha/mô hình… Các địa phương trong huyện căn cứ kế hoạch chung triển khai tốt công tác chuẩn bị cho vụ mới.

Chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất vụ lúa xuân 2023
Người dân lựa chọn mua phân bón chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2023 tại cửa hàng Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kim Bảng. M Hùng

Với huyện Thanh Liêm, nơi đi đầu việc áp dụng máy cấy trên đồng ruộng đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 2.300 ha lúa cấy bằng máy, chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy. Những khâu chuẩn bị sản xuất đầu tiên đang được tập trung triển khai, như: Làm thủy lợi nội đồng, cày lật đất… Do diện tích lúa cấy bằng máy vụ tới được mở rộng, UBND huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các địa phương sớm xác định, quy hoạch vùng lúa cấy bằng máy thuận tiện tưới, tiêu, giao thông nội đồng… Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy trong việc làm dịch vụ trên địa bàn chuẩn bị tổ chức tốt việc gieo mạ khay và cấy máy bảo đảm diện tích theo kế hoạch trong khung thời vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Liêm có gần 20 máy cấy Kubota công suất lớn và hơn 100 máy cấy cá nhân hiệu Văn Lang.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm, địa phương đang phấn đấu tạo sức bật mới trên đồng ruộng bằng việc đưa cơ giới đồng bộ vào các khâu sản xuất. Do vậy, công tác chuẩn bị cho vụ mới được triển khai sớm, tập trung. Phòng NN & PTNT tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương, HTXDVNN chú trọng ký hợp đồng với các tổ dịch vụ cấy máy trong và ngoài tỉnh bảo đảm việc mở rộng diện tích, kịp thời vụ.

Vụ lúa xuân luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và sản lượng lương thực cả năm. Chủ động chuẩn bị tốt các khâu, giúp bảo đảm sản xuất kịp thời vụ, phấn đấu đạt năng suất, giá trị cao nhất trên diện tích gieo cấy.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy