Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Chăn nuôi của tỉnh hiện vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt, tổng đàn lợn ước đạt hơn 370 nghìn con, đàn gia cầm trên 7 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 35 nghìn con... Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh rất lớn. Thực tế, đã xuất hiện ổ dịch bệnh nguy hiểm rải rác tại một số địa phương. Để hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  đã trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết tình hình và nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh?

Ông Phạm Anh Tuấn: Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh từ đầu năm đến nay cơ bản giữ được ổn định, ít xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm. Dịch cúm gia cầm khá lâu chưa xuất hiện trở lại. Những loại dịch bệnh trên đàn gia súc được phòng, chống và kiểm soát khá tốt. Từ đầu năm đến nay, mới xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Ổ dịch đầu xuất hiện vào cuối tháng 5 ở một trang trại chăn nuôi tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục), kéo dài hơn 2 tháng (đến tháng 7). Số lợn mắc bệnh trong trang trại phải tiêu hủy lên đến 310 con, tổng trọng lượng gần 9.000 kg. Thời điểm cuối tháng 10 vừa qua mới xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi tại thôn Đoan Vỹ II, xã Thanh Hải (Thanh Liêm) trên tổng đàn lợn 68 con, gồm: 6 lợn nái và 62 lợn con. Đã có 29 con lợn mắc bệnh tại ổ dịch phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 2.000 kg. Các ổ dịch này đều đã và đang được khống chế và xử lý không để lây lan ra diện rộng.

Qua quá trình giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh vẫn có các mẫu bệnh phẩm dương tính với các loại virus, như: 2/24 mẫu gia cầm dương tính với virus cúm A trên đàn gia cầm tại huyện Bình Lục, 31/90 mẫu lấy tại đàn bò sữa dương tính với bệnh ký sinh trùng đường máu; các mẫu bệnh phẩm lấy tại những nơi lợn có triệu chứng đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Kết quả trên cho thấy các loại dịch bệnh vẫn đang lưu hành trên môi trường và có thể phát sinh trên đàn vật nuôi.

P.V: Hiện, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh đã được cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp.

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Trang trại nuôi gà đẻ của anh Nguyễn Văn Hồng, xã Kim Bình (TP Phủ Lý) được phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ảnh: Thành Nam

Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai hiệu quả. Riêng trong “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2023”, đã sử dụng 5.585 lít hóa chất, 65.750 kg vôi bột, xử lý 11,7 triệu m2 chuồng trại, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm.

Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh được triển khai cả trong chính vụ và tiêm bổ sung hằng tháng cho các đối tượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Theo số liệu tổng hợp đến hết tháng 9, vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) tiêm được hơn 80 nghìn lượt con gia súc, đạt 61,3% kế hoạch; vắc-xin dịch tả lợn tiêm được gần 200 nghìn con, đạt 32,6% kế hoạch; vắc-xin viêm da nổi cục tiêm được 4.705 con, đạt 18,86% kế hoạch; vắc-xin cúm gia cầm tiêm được hơn 1,2 triệu con… Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được triển khai tốt. Cụ thể, kiểm dịch xuất ngoại tỉnh đối với lợn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, gia cầm tăng 80% so với cùng kỳ, thịt lợn mát tăng 13,6% so với cùng kỳ, thịt lợn đông lạnh tăng 112,2% so với cùng kỳ, thịt gà mát tăng 44,7% so với cùng kỳ...

Về công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó có phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi cũng được quan tâm…

P.V: Tình hình dịch bệnh trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, vậy, ngành đã triển khai những biện pháp phòng, chống như thế nào?

Ông Phạm Anh Tuấn: Giai đoạn cuối năm việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm gia tăng dễ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh. Đây cũng là thời điểm giao mùa và vào mùa đông sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh của vật nuôi suy giảm. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng một số loại bệnh, trong đó có cả dịch bệnh nguy hiểm chưa cao. Riêng dịch tả lợn châu Phi vẫn đang có ổ dịch tại tỉnh, vắc-xin chưa được áp dụng rộng rãi, khả năng xuất hiện rất lớn. Từ những hạn chế trên, dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ rất cao xuất hiện nếu không được phòng, chống hiệu quả.

Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho các đối tượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên chuồng trại, nơi chăn thả, giết mổ gia súc, gia cầm; thực hiện giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở để sớm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch (nếu có) không để lây lan ra diện rộng.

Về phía người dân cần tuân thủ chặt chẽ chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học; tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; che chắn giữ ấm chuồng trại trong mùa đông; không vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường tự nhiên dễ phát tán dịch bệnh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy