Bảo đảm giữ vững tổng đàn lợn phục vụ thị trường dịp cuối năm

Thời gian gần đây, chăn nuôi lợn trên địa bàn gặp phải những khó khăn do một số loại bệnh nguy hiểm xuất hiện trở lại. Cùng với đó, giá thịt lợn hơi xuất chuồng trên thị trường vẫn thiếu ổn định. Điều này, tác động đến phát triển chăn nuôi. Để hiểu rõ về tình hình chăn nuôi lợn và khả năng nguồn cung loại thực phẩm chính này trong dịp cuối năm, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT.

P.V: Xin ông cho biết tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Sau thời gian giá lợn hơi xuất chuồng xuống thấp năm 2017 và dịch tả lợn châu Phi kéo dài từ đầu năm 2019 đến đầu năm 2020, chăn nuôi lợn của tỉnh có chiều hướng phát triển trở lại. Tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã đạt 355 nghìn con, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 67.700 tấn. Đây là sự khởi sắc đối với ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng sau giai đoạn dài khó khăn về giá cả, dịch bệnh.

Tuy nhiên, từ hơn một tháng qua dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại và lan rộng ra 6 xã của huyện Lý Nhân. Đợt dịch tả lợn châu Phi này đã có trên 500 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy của hơn 60 hộ chăn nuôi. Đồng thời, dịch tai xanh lợn sau thời gian dài không xuất hiện đã phát sinh tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân và tại một số địa phương khác trong tỉnh (Bình Lục, Kim Bảng) đã có hiện tượng lợn chết không rõ nguyên nhân. 

Trước tình hình này, chăn nuôi lợn của tỉnh thời gian tới khả năng sẽ phát triển chậm lại. Nhiều hộ chăn nuôi tái đàn chậm hoặc ngừng chưa tái đàn do lo ngại dịch bệnh. Vì thế, khả năng đàn lợn của tỉnh sẽ giảm về số lượng đàn.

Bảo đảm giữ vững tổng đàn lợn phục vụ thị trường dịp cuối năm
Mô hình chăn nuôi lợn của anh Vũ Ngọc Trí, xã Văn Xá (Kim Bảng). Ảnh: Trần ích

P.V: Trước tình hình chăn nuôi và dịch bệnh đối với đàn lợn như hiện nay, ông đánh giá thế nào về nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Cần phải nhìn nhận thực tế, đàn lợn thịt trong thời gian tới sẽ không còn tăng mạnh, khả năng chỉ duy trì được ở mức trên 300 nghìn con. Với lượng lợn hiện có, nếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong tỉnh thì vẫn bảo đảm được. 

Tuy nhiên, tình hình thiên tai thời gian gần đây đang nghiêm trọng, nhất là khu vực miền Trung, ngập lụt trên diện rộng làm ảnh hưởng và thiệt hại lớn đến chăn nuôi tại khu vực này. Vì thế, chắc chắn giai đoạn cuối năm nguồn lợn thịt tại các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nam sẽ phải chia sẻ một phần cho khu vực bị ảnh hưởng thiên tai.

Thời gian gần đây, chăn nuôi gia cầm của tỉnh phát triển mạnh với tổng đàn hơn 7 triệu con, tăng gần một triệu con so với cùng kỳ năm trước hỗ trợ cho lợn thịt. Nhưng với nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân, thịt lợn vẫn đóng vai trò quan trọng, là nguồn thực phẩm chính trong bữa ăn hằng ngày và các dịp lễ, Tết. Trước tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và cả thiên tai bão, lũ, nguy cơ thiếu nguồn cung lợn thịt dịp cuối năm rất dễ xảy ra.

P.V: Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai những biện pháp gì để hạn chế việc thiếu nguồn cung lợn thịt cho thị trường, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để bảo đảm được nguồn cung lợn thịt dịp cuối năm yêu cầu cao nhất là phải duy trì ổn định được tổng đàn hiện có. Đây là vấn đề khó khăn, đòi hỏi phải có sự tập trung của cả các cấp ngành chức năng và người chăn nuôi. 

Thực hiện mục tiêu đề ra, các địa phương cần thực hiện thật tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi đã và đang có dịch tả lợn châu Phi, dịch tai xanh lợn. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nguy cơ, diễn biến dịch bệnh để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Một vấn đề nữa là các địa phương cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, củng cố hệ thống chăn nuôi - thú y cơ sở giúp chính quyền địa phương về chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tích cực chủ động hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để chính quyền địa phương và người dân phòng, chống dịch. Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh có chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời (hóa chất, vắc-xin...) đối với các địa phương và người chăn nuôi.

Quan trọng nhất, để bảo đảm giữ được tổng đàn và có đủ nguồn cung lợn thịt dịp cuối năm phải có sự chủ động từ chính các hộ chăn nuôi. Theo đó, người dân tiếp tục duy trì được số lượng đàn lợn nuôi trong chuồng, giữ được đàn lợn nái hiện có tạo nguồn con giống bảo đảm. Cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tại hộ từ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin đến vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường chuồng trại chăn nuôi. Khi tái đàn, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, bảo đảm sạch bệnh...

Làm tốt được các giải pháp đề ra sẽ giúp chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được giữ vững và phát triển, góp phần bảo đảm được nguồn cung lợn thịt cho thị trường nội tỉnh và một phần xuất ra bên ngoài dịp cuối năm.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy