Khởi nghiệp với xuất phát điểm thấp nhưng nhờ thay đổi tư duy sản xuất, nắm bắt thời cơ cùng bản tính chăm chỉ, cần cù, dám nghĩ, dám làm và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hội viên nông dân đã tạo dựng cho mình cơ ngơi khang trang, trở thành triệu phú, tỷ phú ngay trên đồng đất quê hương.
Mô hình nuôi gà giống Brown của anh Nguyễn Văn Hồng, thôn Đồng Tiến, xã Kim Bình (T.P Phủ Lý).
Ở thôn Đồng Tiến, xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý) ai cũng biết người nông dân làm kinh tế giỏi Nguyễn Văn Hồng. Năm 2007, anh Hồng thuê 5ha đất trũng của một số hộ dân không có nhu cầu sản xuất để phát triển kinh tế. Ban đầu, anh xây dựng 2 dãy chuồng nhỏ để chăn nuôi gà trắng, vịt thịt, số còn lại đào ao thả cá.
Thời gian đầu, anh nuôi 7 nghìn con gà trắng, 7 nghìn con vịt thịt nhưng bị thất bại do thiếu kinh nghiệm và chưa có kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Không cam chịu thất bại, sau khi tìm hiểu mô hình nuôi giống gà Brown ở tỉnh Hải Dương, anh đã quyết định chuyển sang nuôi loại gà này với hơn 5 nghìn con.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên gà sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đẻ trứng cao. Sau đó, anh quyết định đầu tư thêm chuồng trại một cách bài bản, lắp đặt hệ thống thông gió, dàn lạnh, chuồng nhốt, máng ăn uống.
Sau hơn 10 năm, đến nay diện tích trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hồng đã mở rộng lên 15ha. Hiện vợ chồng anh đang nuôi hơn 30 nghìn con gà đẻ Brown, 10 nghìn vịt đẻ và 5 nghìn con ngan thương phẩm/lứa.
Đầu năm 2018, khi giá lợn trên thị trường ổn định, anh mở rộng quy mô sản xuất với gần 100 con lợn nái, 700 con lợn thương phẩm. Với hơn 30 nghìn gà Brown đẻ và 10 nghìn con vịt đẻ, mỗi năm anh xuất ra thị trường trên 20 triệu quả trứng và hàng trăm tấn gà, vịt thịt. Cùng với sản lượng cá thu được từ ao, trung bình mỗi năm trang trại của gia đình có tổng doanh thu từ 13-15 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình lãi từ 2-2,5 tỷ đồng.
Với thành tích đó, anh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương HND Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, tháng 10 vừa qua, anh vinh dự được Trung ương HND Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”.
Khác với anh Hồng, ông Đặng Xuân Hạnh, xóm 4 Trần Xá, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) lại phát triển kinh tế theo mô hình trang trại trồng trọt gắn phát triển chăn nuôi.
Năm 2005, ông mạnh dạn thuê 6 mẫu đất do UBND xã quản lý để trồng ngô, khoai lang, đỗ tương. Tuy nhiên, hạch toán trong quá trình sản xuất cũng chẳng được bao nhiêu. Với quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất, năm 2014, ông thuê 100 mẫu đất ven bãi sông Hồng của một số hộ dân không có nhu cầu sản xuất và lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi bò sữa và trồng cây dược liệu.
Trong những năm đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ và nước thượng nguồn đổ về làm thiệt hại hoa màu. Nhờ sự động viên của gia đình, sự ủng hộ về vốn, tiến bộ KHKT của các cấp HND khiến ông càng quyết tâm hơn. Sau nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, ông đã chuyển 70 mẫu đất sang trồng húng quế dược liệu, 10 mẫu sang trồng cỏ và đầu tư nuôi 26 con bò sữa.
Với cách làm đó, mô hình của gia đình ông Hạnh hằng năm cho tổng doanh thu từ 10-12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi từ 1- 1,2 tỷ đồng/năm. Trang trại của gia đình ông thường xuyên giải quyết việc làm cho 25-30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, ông còn là một trong những hội viên nông dân tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ địa phương làm đường giao thông nông thôn, tặng bò sinh sản cho hộ nghèo, đóng góp xây dựng quỹ nhân đạo, từ thiện. Với thành tích đó, ông Hạnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương HND Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.
Đây là 2 trong số hàng nghìn nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 638 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 87 mô hình có lãi trên 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Có được kết quả trên, trước hết là do người nông dân đã mạnh dạn đổi mới tư duy, chủ động chuyển từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, các cấp HND đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn vay và tiến bộ KHKT, nhờ đó người nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.
Trần Ích
Trần Ích