kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Quan tâm đào tạo, truyền nghề cho lao động trẻ ở làng trống Đọi Tam

Quan tâm đào tạo, truyền nghề cho lao động trẻ ở làng trống Đọi Tam

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tạo cơ hội để nghề truyền thống phát triển, những năm qua làng nghề trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) luôn chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động trẻ.

Làng trống Đọi Tam nổi tiếng lâu đời với lịch sử hơn 1.000 năm. Đặt chân đến làng nghề truyền thống thôn Đọi Tam, du khách dễ dàng bắt gặp những cơ sở sản xuất mọc lên san sát, những thanh âm vang lên từ tiếng máy cưa, đục xen lẫn là mùi đặc trưng của những loại gỗ mít, gỗ sồi, da trâu… Sự phát triển của làng nghề nơi đây được ghi dấu bằng con số hơn 80% lao động làm nghề và có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống, chiếm phần lớn trong tổng thu nhập của người dân.

Hiện nay, thôn có khoảng 70 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động. Để bảo tồn làng nghề truyền thống, thời gian qua, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, phát triển nghề làm trống. Đặc biệt, hiệp hội đã tích cực truyền tải những giá trị văn hoá đến lớp thợ trẻ có niềm đam mê với nghề truyền thống, có tay nghề cao, qua đó tạo nền tảng để làng nghề phát triển bền vững.

Từ nhỏ, anh Phạm Công Quân (sinh năm 1988, thôn Đọi Tam) đã được làm quen với nghề truyền thống làm trống của gia đình. Năm 2016, để tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của gia đình, thợ trẻ Phạm Văn Quân thành lập cơ sở sản xuất trống, thùng gỗ Phạm Quân. Theo đuổi nghề làm trống, song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, chủ cơ sở sản xuất Phạm Văn Quân quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 10 lao động trong xã.

Anh Quân chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, số lượng lao động học nghề không nhiều bởi các bạn trẻ có cơ hội tìm kiếm những công việc khác, phù hợp hơn. Nghề làm trống đòi hỏi phải chăm chỉ, kiên nhẫn, tinh tường, khéo léo... thì mới gắn bó lâu dài được. Tuy nhiên, nghề làm trống đem lại mức thu nhập khá, từ 300 - 350 nghìn đồng/người/ngày.

Làng nghề trống Đọi Tam chú trọng đào tạo nghề cho lao động trẻ.

Khác với anh Quân, anh Phạm Công Tước (sinh năm 1990) là lớp thợ trẻ trưởng thành từ các lớp truyền nghề của nghệ nhân nổi tiếng trong làng trống Đọi Tam. Anh Tước đã gắn bó với nghề hơn 6 năm. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề, theo anh Tước không phải ai cũng trở thành thợ giỏi. May mắn, anh Tước được truyền dạy những kiến thức tinh hoa của nghệ thuật làm trống từ nghệ nhân Phạm Trí Trong, người có hơn 42 năm kinh nghiệm với nghề làm trống. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù cùng với tư duy nhạy bén đã giúp anh Tước tạo được chỗ đứng cho riêng mình, sản phẩm của anh được khách hàng ủng hộ, tìm về tận cơ sở để đặt hàng. Anh thực sự trở thành niềm tự hào của lớp thợ trẻ khi là chủ cơ sở sản xuất Minh Tùng chuyên các mặt hàng thùng rượu gỗ sồi, trống và các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ với doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trước khó khăn khi làng nghề khó giữ chân được những lao động trẻ, ông Phạm Trí Trong, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam cho biết: Muốn giữ chân người trẻ ở lại với nghề và làng nghề thì yếu tố quan trọng nhất là phải tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có thị trường ổn định, từ đó có thu nhập ổn định người trẻ mới có thể yên tâm sống với nghề. Cùng với đó, quan tâm truyền nghề sao cho khoa học và bài bản; chủ động đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để làm ra những sản phẩm đẹp mắt, giảm chi phí, giải phóng sức lao động...

Năm 2023, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam đã kiến nghị lên các sở, ngành chức năng của tỉnh và đang chờ phê duyệt về việc trích một phần quỹ khuyến công thay vì tặng thưởng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng vào việc mở những lớp dạy nghề tập trung, đào tạo nghề cho những lao động trẻ nhằm phát triển làng nghề truyền thống. Mục đích của việc làm này là muốn đào tạo tay nghề, khơi dậy lòng yêu nghề từ thế hệ trẻ, bởi chính những người trẻ sẽ là  những người “giữ lửa” để làng nghề duy trì phát triển. 

Lao động trẻ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển nghề truyền thống. Họ là những người biết nghề, có khả năng tiếp thu, ứng dụng thành thạo kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, năng động trong đa dạng hoá sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc quan tâm đào tạo, dạy nghề cho lao động trẻ có ý nghĩa quan trọng đến sự tồn tại, phát triển làng nghề.

Từ nhận thức đó, thời gian tới, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam sẽ tiếp tục chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn những bạn trẻ có nhu cầu muốn học nghề làm trống cũng như những sản phẩm về gỗ khác. Bên cạnh đó, kết nối với tổ chức tín dụng vay vốn ưu đãi để hỗ trợ những hộ kinh doanh do thợ trẻ làm chủ có cơ hội được mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị; tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ hình thức vừa học, vừa làm để động viên tinh thần làm việc của những thợ mới, qua đó góp phần phát triển bền vững làng nghề truyền thống.

Bùi Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy