kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Chủ thể các sản phẩm OCOP cần nghĩ đến chuyện làm giàu từ chính sản phẩm của mình…

Chủ thể các sản phẩm OCOP cần nghĩ đến chuyện làm giàu từ chính sản phẩm của mình…

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nam hiện có 65 sản phẩm của 30 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 49 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Kết quả này đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, mục tiêu sâu hơn của chương trình này chính là thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề, các sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP tham gia vào thị trường du lịch,  đảm bảo sản xuất, phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp Hà Nam. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hà Nam Điện tử có cuộc phỏng vấn ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam).

Chủ các sản phẩm OCOP cần phải nghĩ đến chuyện làm giàu từ chính sản phẩm của mình…
Ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam).

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quy mô và chất lượng sản phẩm OCOP của Hà Nam hiện nay?

Ông Trương Quốc Hưng: Chương trình Đề án “ Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” được thực hiện trên quan điểm chỉ đạo của tỉnh coi đây là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, là giải pháp xây dựng nông thôn mới. Sau gần 5 năm thực hiện, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 65 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm 4 sao, 49 sản phẩm 3 sao. Địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất là Duy Tiên với 26 sản phẩm, sau đó đến Bình Lục và Phủ Lý.

Thời gian qua, các chủ sản xuất đã công khai tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng, mẫu mã bao bì được cải tiến, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Số lượng các sản phẩm tham gia bình xét đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, chúng ta có 44 sản phẩm, nhiều hơn năm 2021 20 sản phẩm, đang được hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng của tỉnh đánh giá xếp hạng.

PV: So với các địa phương khác trong khu vực và trên toàn quốc, con số 65 sản phẩm OCOP này được đánh giá ở mức nào thưa ông?

Ông Trương Quốc Hưng: Quá khiêm tốn! Gần cạnh ta là thủ đô Hà Nội, họ đang có hàng nghìn sản phẩm OCOP. Chỉ một Hợp tác xã chuyên trồng rau của họ cũng có tới 40 sản phẩm. Ở Hà Nam, quy trình để có một sản phẩm OCOP không dễ dàng gì, từ khâu giống, trồng trọt, chăm sóc, thu gom, sơ chế, chế biến, bao gói, tem nhãn… để đến khi nó được đưa ra thị trường là cả một quy trình chặt chẽ. Dù sản phẩm của mình ít nhưng chất lượng hơn, chủ yếu là tự chế biến trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt để cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp khá đặc trưng. Đã có nhiều đoàn ở các tỉnh bạn đến thăm quan, đánh giá các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của ta ở Trác Văn, Mộc Bắc rất cao, rất bài bản, rất quy trình.

PV: Nói như vậy có thể nghĩ nguyên nhân làm cho số lượng sản phẩm OCOP của chúng ta ít hơn các địa phương khác do đang áp dụng những quy định ngặt nghèo, chặt chẽ quá đối với quy trình sản xuất sản phẩm?

Ông Trương Quốc Hưng: Không! Không phải như vậy. Cơ bản là do người sản xuất ra sản phẩm, họ luôn nghĩ, chỉ làm ra rồi bán luôn cho người mua là xong chứ chưa tập trung vào khâu chế biến. Còn tỉnh xét duyệt sản phẩm OCOP là nghiêm túc chứ không phải là quá khắt khe. Tôi nghĩ, chúng ta vẫn còn hạn chế trong công tác tập huấn cho các chủ thể sản phẩm về tính chất, giá trị và mục tiêu của sản phẩm OCOP. Sau gần 5 năm thực hiện chương trình đề án, đây là bài học kinh nghiệm để Hà Nam chú trọng xây dựng đội ngũ tư vấn, tổ chức sản xuất, xây dựng hồ sơ tham gia bình xét, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP các cấp có trình độ chuyên sâu hơn. Mục tiêu sâu hơn của chương trình này chính là thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề, các sản phẩm mang tính đặc trưng của các vùng, miền. Sản phẩm OCOP tham gia vào thị trường du lịch, để đảm bảo sản xuất, phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp Hà Nam.

Chủ các sản phẩm OCOP cần phải nghĩ đến chuyện làm giàu từ chính sản phẩm của mình…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm quan gian hàng bánh đa Kiện Khê tại Hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2023.

PV: Ông vừa nói, mục tiêu của chúng ta sẽ đưa các sản phẩm OCOP tham gia vào thị trường du lịch, chuyện này rất hay, nhiều địa phương đang làm hiệu quả. Ông thấy đấy, mình đến địa phương nào thăm quan du lịch cũng có các sản phẩm nông nghiệp tại các điểm, khu du lịch, nó được bày bán như sản phẩm đặc trưng phổ biến của địa phương đó. Nhưng đến Hà Nam, du khách luôn khó khăn trong việc tìm kiếm một sản phẩm nào đó để mua làm quà. Ông nghĩ gì về chuyện này?

Ông Trương Quốc Hưng: Thực ra, chúng ta đã bàn về vấn đề này rất nhiều, làm sao các địa phương có các sản phẩm từ các nghề, làng nghề truyền thống cần được khôi phục lại, tạo ra các sản phẩm đúng quy trình đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ở mức độ cao nhất. Ngay tại hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP lần này, khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy đến gian hàng bánh đa Kiện Khê thăm quan đã đề cập đến chuyện này với chủ gian hàng. Rằng, tại sao không làm chiếc bánh đa nó nhỏ hơn, dễ cho du khách mang theo chứ to như thế không hề tiện lợi cho họ tý nào. Có thể chất lượng bánh là ngon, có thương hiệu, nhưng người sản xuất cần nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, làm sao phải thay đổi mẫu mã cho tiện lợi, phù hợp với nhu cầu chung. Rõ ràng, người sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta vẫn chưa linh hoạt trong việc thâm nhập thị trường du lịch. Tôi nghĩ, nếu sản phẩm chỉ đạt mục đích để thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao cho các địa phương mà không nghĩ việc biến nó thành sản phẩm du lịch thì chắc chắn các sản phẩm OCOP của chúng ta tồn tại và phát triển không bền vững.

Về phía các ngành chức năng đã thực hiện và tiếp tục thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, các cơ sở tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại để trưng bày, giới thiệu sản phẩm như cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, các sản phẩm từ sữa của Mộc Bắc, rau, củ quả tại các tỉnh lân cận. Hà Nam trong năm nay sẽ hỗ trợ đưa 250 sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử như Shoppee, Voso, Postmart…

Chủ các sản phẩm OCOP cần phải nghĩ đến chuyện làm giàu từ chính sản phẩm của mình…
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP nổi tiếng của Hà Nam.

PV: Khó khăn nhất trong việc đưa các sản phẩm này đến với du lịch là gì, thưa ông?

Ông Trương Quốc Hưng: Nhận thức của đại đa số các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các địa phương trong việc phát triển các sản phẩm này theo chiều sâu còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở chuyện đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao. Lẽ ra, khi sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP rồi thì cần phải quảng bá, phải tiếp thị thị trường, phải mở rộng quan hệ giao thương để sản phẩm có mặt ở những sàn thương mại chính thống, nó mới sống, mới phát triển bền vững được. Tuy nhiên, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lại không làm được điều đó. Họ luôn nghĩ, đến các hội chợ là phải bán được sản phẩm, phải có tiền ngay.. Vì thế, mặc dù có mặt tham gia hội chợ đấy, nhưng doanh nghiệp hay các cơ sở sản xuất đâu có quảng bá gì, có các hoạt động nào giới thiệu sản phẩm của mình một cách bài bản.  Vì thế, người tiêu dùng khó mà biết đến sản phẩm của họ thế nào. Và, suy cho cùng, chủ các sản phẩm OCOP của mình vẫn chưa có ý thức phát triển chuyên sâu, làm cho sản phẩm đi vào đời sống, có được con đường riêng, chưa nghĩ đến chuyện làm giàu từ sản phẩm của mình.

Chủ các sản phẩm OCOP cần phải nghĩ đến chuyện làm giàu từ chính sản phẩm của mình…
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP của Hà Nam vẫn loay hoay với việc tìm kiếm thị trường bền vững.

PV: Với những hoạt động như chương trình giới thiệu, trưng bày các sản phẩm OCOP tại thành phố Phủ Lý được tổ chức vào 22/4 vừa qua, ông có nghĩ các sản phẩm OCOP của Hà Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường sâu rộng hơn không, đặc biệt là thị trường du lịch?

Ông Trương Quốc Hưng: Chúng tôi khi tham mưu tổ chức chương trình này đã rất hy vọng vào điều này. Như bạn biết đấy, tại chương trình có trưng bày 50 gian sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Hà Nam và 16 tỉnh, thành phố lân cận. Đây rõ ràng là một dịp để các doanh nghiệp, các nhà sản xuất nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó có chiến lược sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xin cảm ơn ông!

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy