Chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

Dịch bệnh cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ  gây thiệt hại cho chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vào thời điểm mùa xuân, thời tiết nồm, ẩm, dịch cúm gia cầm dễ phát sinh và lây lan. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành chức năng. Đó cũng chính là nội dung trao đổi giữa, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT).

Trang trại chăn nuôi gà đẻ của anh Nguyễn Văn Hồng, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý.
Ảnh: Thành Nam

P.V: Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh cúm gia cầm thời gian qua và nguy cơ xuất hiện trên địa bàn tỉnh?

Ông Đinh Huy Bách: Tình hình chăn nuôi gia cầm của tỉnh thời gian qua diễn ra ổn định, với tổng đàn duy trì trên 8 triệu con. Dịch cúm gia cầm được kiểm soát và phòng ngừa tốt ở cả các trang trại và chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện gần nhất ở tỉnh từ đầu năm 2021 tại xã Nhân Chính (Lý Nhân) và Tượng Lĩnh (Kim Bảng). Năm 2023 qua công tác giám sát cơ quan chuyên môn đã lấy 74 mẫu swab trên gia cầm để kiểm tra sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1 và AH5N6 nhưng đều âm tính với H5. Kết quả đó cho thấy trên địa bàn tỉnh không lưu hành vi rút cúm gia cầm.

Tuy nhiên, trên địa bàn cả nước dịch bệnh cúm gia cầm (A/H5N1) tiếp tục có diễn biến phức tạp. Trong năm 2023, tại 11 tỉnh, thành phố xuất hiện 20 ổ dịch cúm gia cầm, với tổng số hơn 36.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Những tháng đầu năm 2024, dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện tại các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bắc Ninh và Ninh Bình, tiêu hủy hơn 6.600 con. Với nước ngoài, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại Campuchia, cả trong năm 2023 và đầu năm 2024 đều có ca tử vong do nhễm cúm gia cầm (A/H5N1). Theo đánh giá của Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) dịch bệnh cúm gia cầm có nguy cơ xuất hiện và lây lan trên diện rộng.

Với Hà Nam, nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện khá cao do tỉnh Ninh Bình bên cạnh đã có ổ dịch cúm gia cầm.

P.V: Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, ngành đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?

Ông Đinh Huy Bách: Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể xuất hiện, ảnh hưởng đến chăn nuôi, các biện pháp phòng chống đã được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai sâu rộng đến tận cơ sở, người dân.

Theo đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân 2024. Chú trọng đến việc tiêm vắc-xin cúm gia cầm cho các đối tượng gia cầm trong diện phải tiêm, bảo đảm đạt tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Ngành cũng lưu ý một số loại vắc-xin cúm gia cầm được Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) khuyến cáo sử dụng có khả năng bảo hộ cao trong năm 2024. Công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh được tăng cường để sớm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời khi dịch còn trong diện hẹp.

Một trong những biện pháp hiệu quả được triển khai là tổ chức thực hiện tốt Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2024 từ ngày 1 – 31/3 theo kế hoạch của tỉnh. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc…

P.V: Tuy nhiên để công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, ngay tại hộ, người chăn nuôi cần thực hiện những yêu cầu gì?

Ông Đinh Huy Bách: Đối với người dân áp dụng triệt để phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là yêu cầu hàng đầu đặt ra. Trong đó, thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường; tiêm đẩy đủ vắc-xin; bảo đảm chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng… Đầu năm cũng là thời điểm người dân thực hiện tái đàn, cần chú ý đến nhập con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh tránh lây nhiễm cúm gia cầm từ bên ngoài. Trong sinh hoạt hằng ngày, người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc; gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh gia cầm…

Một vấn đề nữa cần quan tâm là khi phát hiện gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân người dân báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên thú y để có biện pháp xử lý kịp thời; không vứt xác gia cầm chết ra môi trường tự nhiên tránh lây lan dịch bệnh.

Người dân thực hiện tốt các yêu cầu nêu trên góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, duy trì ổn định quá trình chăn nuôi, nâng cao thu nhập hộ gia đình.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy