Nâng cao tính năng động của chính quyền trong thu hút đầu tư

Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh là một trong 10 chỉ số thành phần để đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây cũng chính là đo lường tính sáng tạo, linh hoạt của chính quyền tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của Trung ương, trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp (DN), cũng như tính hiệu lực thực thi của các cấp, ngành với các chủ trương của lãnh đạo tỉnh. 

Những năm qua, Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là tỉnh luôn đứng trong top đầu của cả nước về thu hút FDI. Có được kết quả trên là do lãnh đạo tỉnh đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng tạo thuận lợi tối đa cho DN; năng động, sáng tạo trong việc đưa ra những sáng kiến nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường hỗ trợ và áp dụng những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho DN. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả sáng kiến, chủ trương, nhiệm vụ của tỉnh liên quan đến công tác xúc tiến thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh của DN.

Minh chứng là tính năng động của chính quyền được phát huy mạnh mẽ qua từng năm. Năm 2018, chỉ số này đạt 6,22 điểm; năm 2019 đạt 6,75 điểm và đến năm 2020 tăng lên 7,08 điểm. Tính năng động của chính quyền là một trong 8 chỉ số thành phần năm 2020 tăng điểm so với năm 2016, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng DN, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ.

Nâng cao tính năng động của chính quyền trong thu hút đầu tư
Các đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Riêng năm 2020, Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh tiếp tục được cải thiện trong bảng xếp hạng nâng cao PCI - tăng 9 bậc so với năm 2019. Đáng chú ý có tới 86% DN được hỏi đánh giá lãnh đạo tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân (năm 2019 tỷ lệ này là 84%); 71% DN đánh giá lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh liên quan đến DN; 53% DN đánh giá thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực (năm 2019 tỷ lệ này là 51%).

Ông Lê Gia Hùng, Giám đốc Công ty Xây dựng Gia Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Bình Lục cho biết: Hoạt động của DN luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Từ công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án… nếu không có sự hỗ trợ thì những DN nhỏ và vừa phải mất rất nhiều thời gian và khó có thể bảo đảm được tiến độ theo yêu cầu.

Để tạo môi trường đầu  tư hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên rà soát, đánh giá những nguyên nhân gây trở ngại làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và có biện pháp xử lý; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, DN. Đã rà soát, ban hành nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thúc đẩy thu hút đầu tư như: Chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh; hướng dẫn các DN thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp  hỗ trợ...

Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tăng cường các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường. Các DN đầu tư vào địa bàn luôn đánh giá cao tỉnh nhất quán và duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết với nhà đầu tư; duy trì đường dây nóng của các cấp lãnh đạo (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành) để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN; hằng năm tổ chức đối thoại để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN… Trong 2 năm qua, tỉnh đã triển khai hướng dẫn và thông tin kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn, trợ giúp DN gặp khó khăn về vấn đề nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài... tạo điều kiện để DN duy trì, ổn định sản xuất.

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Những năm qua, tính năng động của chính quyền tỉnh trong bảng chỉ số PCI hằng năm của Hà Nam được DN đánh giá rất cao. Hà Nam coi thành công của DN cũng chính là thành công của tỉnh. Đề cao việc hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc và luôn đồng hành cùng DN từ khi đầu tư xây dựng cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã tạo niềm tin vững chắc cho DN khi đến đầu tư tại Hà Nam.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tất cả các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Trong chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu: Cải thiện PCI chính là cải thiện hình ảnh của Hà Nam về môi trường đầu tư, kinh doanh đối với cộng đồng DN, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển DN. Do đó cần nâng cao chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước, đẩy mạnh cải  cách hành chính đáp ứng yêu cầu của DN, nhà đầu tư. Bởi nếu không thu hút được dòng vốn đầu tư thì không thể tạo ra tăng trưởng trong thời gian tới. 

Theo phân tích Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh, năm 2020 mặc dù tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhưng vẫn còn tới 75% DN đánh giá cấp tỉnh có sáng kiến hay nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành và 51% DN đánh giá lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện, thành phố, thị xã và có 25% DN cho rằng khi có chính sách, pháp luật của Trung ương có điểm chưa rõ, cơ quan tỉnh thường đợi xin ý kiến chỉ đạo hoặc không làm gì cả (tăng 8% so với năm 2019). 

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh nói chung, Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh nói riêng, năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sản xuất, kinh  doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các công việc liên quan đến DN. Đặc biệt, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, duy trì các kênh đối thoại với các  nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cam kết của  tỉnh đối với các nhà đầu tư; kịp thời cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho DN bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy